Bắp không râu, rầu tím ruột
Những ngày tháng 5 này, đến với những vùng quê Quảng Trị vừa áp dụng giống mới qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp (DN) mùa sản xuất nông nghiệp vừa qua sẽ cảm nhận rõ sự xót xa, thấp thỏm của nhà nông. Với người nông dân lam lũ, thành quả không như mong đợi có nghĩa kéo theo những thua thiệt mà họ không lường hết, cũng là bài học thấm thía.
Trước Tết Nguyên đán 2015, nhiều xã viên thuộc HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền (H. Cam Lộ) hào hứng khi xuống giống ngô (bắp) mới, 1 dự án liên kết với DN Tín Đạt Thành sau khi thu hoạch sẽ được bao tiêu sản phẩm, kèm theo các ràng buộc trong hợp đồng như quả tươi, hạt đều, không sâu bệnh, còn râu ngô ở đầu quả và trọng lượng trung bình phải đạt từ 4 lạng/quả bắp trở lên. Đây là giống ngô ngọt mà người dân chưa từng gieo trồng, hoàn toàn mới nhưng người dân vẫn đầy tin tưởng vì đất màu mỡ. Từ đó họ chuyển đổi hàng chục sào trồng lạc sang gieo ngô ngọt, nhà thấp nhất 1 sào, có nhà 3 sào.
Quá trình sản xuất, người dân được DN tạm ứng, hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật chăm bón. Đến trung tuần tháng 4 - 2015, khi vào vụ thu hoạch thì mới tá hỏa phát hiện ngô đa phần không đạt yêu cầu như không đủ trọng lượng, đặc biệt đầu quả ít râu... Họ hoang mang vì không tìm ra lý do gây nên kết quả trên. Nhưng lẽ đương nhiên, DN có lý do để từ chối.
Khác biệt giữa ngô ngọt và loại giống ngô thường bà con HTX An Mỹ gieo trồng lâu nay, phơi khô thì hạt càng teo lép. |
Đây là giống ngô khi đến vụ không nhanh chóng thu hoạch thì hạt teo lại, khác hẳn với các loại ngô thường gặp càng để lâu thì hạt càng chắc tròn. Thảm hơn là người dân bí thị trường. "Không ai dám ăn vì đây là giống lạ, lần đầu được biết đến, chúng tôi có hái cho bò nhưng sau cũng thôi, nhiều người cũng bỏ mặc giữa đồng", gia đình ông Chiến cho biết. Trước hoang mang của người dân, ngày 18-5- 2015, qua trao đổi vấn đề này với UBND xã Cam Tuyền, ông Hồ Quang Luận, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế cho biết việc HTX An Mỹ liên kết đưa giống ngô mới có báo cáo qua xã.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, đây là dự án do HTX chủ động hợp đồng với DN, xã viên tự nguyện ký kết nên được, mất nông dân phải tự lường. "Trước khi triển khai thì họp xã viên liên tục, đến chừ kết quả ri thì không có phương hướng giải quyết thỏa đáng, thiệt đơn thiệt kép, hoang mang lắm. Mà rễ cây loại bắp ni như rễ tre, nhổ tay cho xong cũng ngán, vài bữa trồng giống khác không biết có ảnh hưởng chi không", nhiều người dân lo lắng. Tình cảnh của nhiều xã viên HTX An Mỹ cũng là của nhiều người dân tại thôn Thượng Phước (Triệu Thượng, H. Triệu Phong) và tại xã Gio Mỹ (H. Gio Linh) khi ký kết hợp đồng sản xuất theo giống ngô ngọt với DN trên.
Cùng với vấn đề áp dụng giống mới, vụ sản xuất đông xuân 2014-2015, xã Triệu Trung (H. Triệu Phong) chủ trương cho HTX Đạo Đầu liên kết với DN Vĩnh Hòa (Nghệ An) đưa vào gieo giống lúa cho hạt tím, gạo nhiều chất có lợi cho sức khỏe được gọi là lúa thảo dược. 180 hộ tham gia sản xuất 12ha đều phấn khởi vì tuy lần đầu giống lúa này có mặt trên cánh đồng của họ nhưng đây là giống đã được áp dụng nhiều tỉnh, gạo có giá thành rất cao. Khi triển khai, lúa sinh trưởng tốt khiến dân an tâm. Thế nhưng kết quả thu hoạch trong tháng 5-2015 chỉ đạt chừng 2 tạ/sào, thấp hơn các loại lúa khác. "Có lẽ do khí hậu, thời tiết nên năng suất thấp, không biết DN có hỗ trợ gì không, còn DN cũng đã cam kết bao tiêu sản phẩm, nhưng phải đến cuối tháng 6 - 2015 họ mới thanh lý hợp đồng, bà con đợi lâu cũng lo lắng, sốt ruột", ông Nguyễn Ngọc Mai, chủ nhiệm HTX trăn trở.
Sắp chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới nhưng bà con nông dân vẫn loay hoay trên diện tích vừa chuyển đổi giống vừa qua. Nơi thì thiếu vốn, nơi thì đang phân vân, chờ đợi. Thiết nghĩ, bà con nông dân cần cẩn trọng hơn, mặt khác DN cần có sự sẻ chia thiết thực, tạo lòng tin thì người dân mới mặn mà, mọi sự liên kết cũng theo đó mới hiệu quả, bền vững, dài lâu.
Theo BẢO HÀ (Công an TP. Đà Nẵng)