Bảo vệ con trẻ trước các clip tiêu cực trên TikTok
Đó là chia sẻ của các chuyên gia mạng trước việc Bộ TT&TT đang cùng TikTok “làm sạch” các clip tiêu cực, độc hại trên nền tảng mạng xã hội video này.
Dẹp nội dung “bẩn” trên TikTok không dễ dàng
Theo Báo cáo minh bạch quý II/2022 do chính TikTok công bố hồi tháng 9/2022 cho thấy, nền tảng này đã xóa 113 triệu video chủ yếu là do vi phạm chính sách chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1% tổng số video được đăng tải trong cùng quý và nếu so với lượng nội dung được đăng tải trên nền tảng, số video bị gỡ chỉ như “muối bỏ bể”.
Nói vậy để thấy, khi số lượng video đăng tải trên TikTok tăng trưởng theo cấp số nhân thì việc kiểm soát và ngăn chặn các nội dung bẩn là việc không hề dễ dàng. Ngay chính các phụ huynh cũng nghiện TikTok, do đó việc kiểm soát các nội dung/clip xấu độc, đồi trụy, tiêu cực trên nền tảng này đối với trẻ em cần sự chung ta của nhiều bên: Cơ quan quản lý, TikTok và chính phụ huynh.
Đi vào ví dụ cụ thể với TikToker Nờ Ô Nô – đang dậy sóng dư luận thời gian qua với các clip phản cảm đăng tải trên mạng khiến cộng đồng bức xúc. Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - (Công an TP.HCM), đơn vị này vừa phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM, mời ông Phạm Đức Tuấn (chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô) lên làm việc và xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng (áp theo điểm b, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Việc xử phạt TikToker Nờ Ô Nô tuân theo Nghị định 15 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” phần nào tạo được sự răn đe với các nhà sản xuất nội dung đang đi theo con đường sốc, sến, sex… bẩn để câu view.
Về phía đơn vị phát hành, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết, TikTok đã khoá tài khoản của người dùng @tuanbrice (Nờ Ô Nô) vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh mạng, nếu có sự chung tay của người dân, cộng đồng mạng, truyền thông và doanh nghiệp, những nội dung “bẩn”, lệch chuẩn như TikToker Nờ ô Nô hoàn toàn có thể dẹp được ngay khi các clip vừa được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội.
Cụ thể, nếu khi cá nhân vi phạm thì chưa đầy 24h, TikToker sẽ bị báo cáo/ xử lý thì sẽ giảm thiểu được rất nhiều clip rác xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội chứ không riêng trên TikTok. Cụ thể, không cần đến 24h, nếu khi nhận được phản ánh từ chính người dùng và cộng đồng mạng thì những nội dung xấu độc, nội dung bẩn hay rác mạng sẽ được các nền tảng này xóa/chặn; qua đó đẩy lùi các nội dung “bẩn”, phản cảm trên các mạng xã hội hiện nay.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con khi dùng mạng xã hội
Mặc dù các biện pháp kĩ thuật để can thiệp gỡ các clip phản cảm không thiếu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian các clip bẩn xuất hiện trên mạng tới khi bị gỡ bỏ, sẽ có rất nhiều trẻ em sẽ tiếp xúc với clip này do thời lượng sử dụng mạng xã hội của trẻ ngày một tăng.
Theo thống kê mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian sử dụng mạng xã hội của trẻ em Việt Nam đã vào khoảng 5-7h/ngày và đang tăng lên nhanh chóng thời hậu Covid. Chính vì vậy, ngoài trang bị kiến thức và kĩ năng an toàn thông tin và tự bảo vệ mình cho trẻ em khi lướt mạng, thì việc đồng hành cùng con là hết sức cần thiết.
Có một thực tế dễ thấy, hầu hết các nội dung “bẩn” xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới, bao gồm: TikTok, YouTube, Facebook, Telegram, Twitter… Bên cạnh những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc, làm những nội dung có ích cho xã hội để lan toả, thì có rất nhiều người chủ yếu tập trung vào làm các nội dung “bẩn”, trái với thuần phong mỹ tục, bất chấp tất cả để câu like, câu view…
Đáng buồn hơn, những nội dung “bẩn” thường được lan toả rất nhanh bởi thuật toán gợi ý từ các nền tảng và sự tương tác của chính người dùng do tò mò hoặc hiếu kì. Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình &Thông tin điện tử (Bộ TT&TT): “Việc các nhãn quảng cáo không book các kênh có nội dung bẩn, câu view trên không gian mạng; cộng đồng mạng có các chính kiến, thái độ mạnh mẽ với các hành vi lệch chuẩn.
Bên cạnh đó, các quy tắc cứng của pháp luật cùng sự chung tay của cộng đồng mạng sẽ tạo cho không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Bởi, khi không có quảng cáo và bị tẩy chay bởi người dùng, lúc đó các nội dung “bẩn” câu view, câu like. trên không gian mạng hiện nay sẽ đẩy lùi”.
Còn với các bậc phụ huynh, thật khó để “kè kè giám sát” con cái, nhưng đồng hành và làm bạn với trẻ luôn là cách để các em hướng tới các nội dung lành mạnh trên mạng và an toàn trên môi trường số vốn nhiều “nguy và cơ” hiện nay. Cùng con chơi game, cùng con lướt mạng, làm bạn và trò chuyện với con về những clip các con đang xem, phân tích cho chúng cái hay cái dỡ chính là cách các con phân biệt được tốt xấu.
Về mặt kĩ thuật, khi các clip bẩn không được tương tác, không được chú ý và bị “nói không” ngay từ khi xuất hiện thì dù thuật toán của các mạng xã hội (TikTok, YouTube, Facebook, Telegram, Twitter) mạnh mẽ đến mức nào cũng khó có cơ hội đề xuất nội dung tương tự; các clip bẩn cũng vì thế mà không còn đất sống. Chính người dùng (người ớn và trẻ em) phải biết nói không với clip xấu, qua đó những TikToker như Nờ Ô Nô mới không có đất để… “làm bậy” như vừa qua.
Hải Việt