Bão từ Mặt Trời có thực sự đáng lo?
Hình ảnh bão từ xuất phát từ Mặt Trời (trái) tấn công về phía Trái Đất. (Nguồn: NASA) |
Các hoạt động bất ngờ và không thể đoán trước của Mặt Trời diễn ra trên bề mặt của nó, bao gồm những vụ nổ khí plasma trên bề mặt Mặt Trời (được gọi là phun trào nhật hoa hay CME), gây ra những cơn bão từ cực mạnh, có thể tấn công Trái Đất với sức mạnh tàn phá khủng khiếp.
Khi bão từ tràn vào khí quyển, gây rối loạn tạm thời từ trường của Trái Đất. Những cơn bão từ có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện, làm mất điện trên diện rộng, cản trở thông tin liên lạc vô tuyến và hệ thống định vị GPS, thậm chí có thể phá hỏng các vệ tinh trên quỹ đạo.
Vậy, liệu một ngày nào đó, một vụ CME lớn sẽ tạo ra một cơn bão từ rất mạnh mẽ, gây ra một thảm họa toàn cầu và gây nguy hiểm cho cuộc sống?
"Câu trả lời là điều này hoàn toàn có thể. Khả năng một vụ CME lớn gây ra một cơn bão từ rất mạnh là có thật. Tuy nhiên, chúng ta không biết chắc khi nào nó xảy ra"- nhà nghiên cứu Doug Biesecker thuộc cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết.
Cơn bão từ được ghi nhận là lớn nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 1859 và được gọi 'Siêu bão Mặt Trời 1859" hay “sự kiện Carrington”. Nó đã phá hủy các hệ thống điện trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Cực quang cũng được nhìn thấy tại nhiều nơi trên toàn cầu.
Các nhà khoa học dự đoán rằng, nếu một cơn bão từ lớn như vậy tấn công vào thời điểm này thì nó sẽ tấn công vào gần như mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. "Do sự phụ thuộc của con người vào các thiết bị điện tử, internet và hệ thống định vị vệ tinh - nó sẽ làm hư hỏng các dịch vụ quan trọng như vận tải, vệ sinh môi trường và công tác cấp cứu..." - ông Biesecker nói.
Để đối phó với mối đe dọa của bão từ, Chính phủ Mỹ đã công bố Chiến lược Thời tiết vũ trụ Quốc gia và Kế hoạch hành động Thời tiết vũ trụ Quốc gia vào tháng 10/2015, nhằm giảm thiểu các nguy cơ thời tiết vũ trụ.
Năm 2015, NOAA đã phối hợp với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa tàu quan sát khí hậu vũ trụ (gọi tắt là DSCOVR) vào hoạt động. Con tàu này đang hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất với vai trò như một “tàu cảnh báo sớm". Nó quan sát và cung cấp cảnh báo về các luồng hạt điện từ trường xuất phát từ Mặt Trời (còn gọi là gió Mặt Trời).
Tàu vũ trụ có thể báo cho các nhà khoa học biết trước khi một vụ phun trào nhật hoa trên Mặt Trời có thể gây ra một cơn bão từ tấn công vào Trái Đất.
Theo Trung Hiếu/TGVN