Bảo tàng về nông nghiệp “độc nhất vô nhị”
Đam mê sưu tầm vật dụng nông nghiệp
Đến phố Tân Sơn, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, hỏi gia đình ông Nguyễn Hữu Ngôn (sinh năm 1961, Tổng Biên tập kiêm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa), không ai là không biết vì nhiều năm nay ông luôn lặn lội đi khắp các vùng quê trong tỉnh để sưu tầm, tìm kiếm và mua các vật dụng về nông nghiệp về nhà trưng bày.
Sau hơn 30 năm miệt mài sưu tầm, hiện tại, bảo tàng mi ni của gia đình ông đã có vài nghìn hiện vật gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, với nền văn minh lúa nước.
Ông Ngôn bên chiếc cối xay. |
Các hiện vật được ông sắp xếp, bày trí theo từng nhóm như công cụ sản xuất làm đất (cày, bừa, mảng tước, cuốc, rìu...); công cụ làm cỏ (cào, nạo, liềm, dao phát...); công cụ thủy lợi (gầu giai, gầu sòng, cọn nước...); dụng cụ làm luống, tỉa trồng, công cụ bảo quản chế biến (rương, bồ, chum, vại, chóe, lọ, be, hủ, nút...); cối xay các loại, dụng cụ săn bắt (súng, ná, bẫy, cung...); đánh bắt (đó, đơm, đăng, xiếc, lừ, chúm..)...
Nói về lý do thích sưu tầm đồ dùng, vật dụng về nông nghiệp, ông Ngôn cho hay, do từ nhỏ sinh ra ở nông thôn, được theo mẹ ra đồng làm việc cùng bà con, tình yêu nông thôn gắn vào trong tế bào, cơ thể và suy nghĩ, nên ông quyết định sưu tầm, gìn giữ những nét riêng của ngành nông nghiệp.
Còn một lý do nữa khiến ông không quản vất vả sưu tầm những vật dụng, đồ dùng nông nghiệp, đó là ông từng làm giáo viên dạy học, tiếp xúc với những học sinh không hiểu về nông thôn. Trong những bài giảng có liên quan đến nông thôn, nông nghiệp, nhiều nội dung học sinh không hiểu được nên ông dày công sưu tầm hiện vật, hình ảnh để dễ thuyết minh, diễn giải hơn cho các học sinh.
Dành gần một tháng lương mua một chiếc quạt lúa
Ký ức đáng nhớ nhất của ông Ngôn khi sưu tầm vật dụng về nông nghiệp là khi đi mua chiếc quạt lúa hay còn gọi là quạt thùng bằng gỗ.
“Năm 2007, tôi tìm về làng nghề mộc Đạt Tài của xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt để tìm mua quạt lúa. Chiếc quạt đó vốn dĩ trước kia 3 - 4 nhà dùng chung, biết mình muốn mua thì họ phải họp nhau lại thống nhất rồi mới bán. Lúc đầu các hộ họp lại với nhau, nhà đồng ý nhà không, tôi phải thuyết phục mãi và đi nhiều lần họ với bán cho mình với giá 3 triệu đồng, gần bằng lương 1 tháng của mình khi đó”, ông Ngôn kể.
Nhìn lại cả chặng đường hơn 30 năm sưu tầm các vật dụng về nông nghiệp, nông dân của ông Ngôn, không ít người cho rằng ông là một người kỳ cục, giữa thời buổi hiện đại mà cứ đi lần tìm những thứ đã hết công năng sử dụng, những thứ bỏ đi. “Nhưng người ta không biết rằng mỗi người có một tình yêu riêng và tôi cũng vậy”, ông Ngôn tâm sự và cho biết thêm: “Vợ con tôi luôn ủng hộ, tôn trọng sở thích và tình yêu của tôi, nhưng nhiều khi mang về nhiều vật bề bộn, chiếm dụng hết cả không gian ở, vợ cũng có nhắc nhở”.
Mong muốn có một bảo tàng nông nghiệp
Nuôi dưỡng niềm đam mê sưu tầm các đồ dùng, vật dụng về nông nghiệp, ông Ngôn mong muốn đất nước sau này sẽ có một bảo tàng nông nghiệp Việt Nam của quốc gia, và cá nhân ông cũng có thể tự tay thành lập một bảo tàng nông nghiệp tư nhân.
Nhóm công cụ bảo quản chế biến được trưng bày trong bảo tàng của ông Nguyễn Hữu Ngôn. |
Ông Ngôn tâm sự: “Đất nước mình vẫn là đất nước nông nghiệp. Khi tìm hiểu chung về ngành nông nghiệp trên thế giới, tôi nhận thấy có rất nhiều bảo tàng nông nghiệp. Ngay cả nước Đức là đất nước công nghiệp vẫn có bảo tàng nông nghiệp. Các nước xung quanh ta như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đều có bảo tàng nông nghiệp, trong khi Việt Nam là nước có tiềm năng, thế mạnh lớn về nông nghiệp lại không có bảo tàng nông nghiệp. Điều này khiến tôi rất trăn trở. Vì thế nên năm 2012, tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam. Tôi đã nhận được 2 văn bản (công văn) trả lời của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đánh giá cao ý tưởng , khát vọng của tôi. Lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có chung ý tưởng xây dựng Phòng Nông nghiệp ở Bảo tàng Nhà văn Việt Nam để làm nơi giảng dạy cho học sinh về những tác phẩm nông nghiệp, và tôi đã tặng cho họ rất nhiều hiện vật”.
Hiện tại, ông vẫn đau đáu khát vọng có được đất đai để xây dựng bảo tàng nông nghiệp của cá nhân để trưng bày những hiện vật mà ông đã dành tiền tỷ và rất nhiều tâm sức sưu tầm trong suốt hơn 30 năm qua.
Ông Ngôn tâm sự: “ Ngay cả nước Đức là đất nước công nghiệp vẫn có bảo tàng nông nghiệp. Các nước xung quanh ta như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đều có bảo tàng nông nghiệp. Trong khi Việt Nam là nước có tiềm năng, thế mạnh lớn về nông nghiệp lại không có bảo tàng nông nghiệp. Điều này khiến tôi rất trăn trở”.