Báo Người cao tuổi: Dứt khoát không “lá cải hóa”
Phát hành tăng 9 lần so với năm 2006
Năm 2013, nền kinh tế suy thoái dẫn đến hoạt động báo chí cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm vào đó, sự bùng nổ công nghệ thông tin và hệ thống báo mạng khiến cho báo in Việt Nam sa sút, suy giảm, có những cơ quan báo chí phải dừng phát hành.
Trên thế giới, tình hình báo in cũng “mang màu sắc ảm đạm”. Khắp nơi, từ Mỹ tới châu Âu, châu Á,… những cái tên lừng lẫy một thời trong làng báo như The New York Times, Financial Times Deutschland, Newsweek... bỗng chốc cũng trở thành “vang bóng một thời”.
Trước bức tranh chung của báo chí Việt Nam và thế giới ấy, khi nói về báo in, nhiều chuyên gia truyền thông, nhà quản lý báo chí đều lắc đầu ngao ngán. Ấy vậy mà, vẫn có một tờ báo vẫn càng ngày càng phát triển. “Trong điều kiện không được bao cấp, không một suất lương ngân sách, sự hỗ trợ xuất bản không đáng kể buộc chúng tôi phải vận động, năng động, bươn chải, giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển. Từ chỗ xuất bản 1 kỳ 1 tuần lên 3 kỳ một tuần, và có số cuối tháng. Đồng thời duy trì xuất bản trang tin điện tử, sản lượng phát hành gấp 9 lần năm 2006. So với năm 2012, tăng lên 15% về sản lượng phát hành”- ông Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, phát biểu tại cuộc họp cộng tác viên diễn ra ngày 1/3.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2014, Báo Người cao tuổi tiếp tục tăng thêm 1 kỳ nữa thành 4 kỳ/tuần, tiến tới sẽ hướng tới mục tiêu trở thành nhật báo hàng ngày của người cao tuổi cả nước. Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cũng tiết lộ thêm: “Bắt đầu từ tháng 3, Báo Người cao tuổi nhận thêm nhiệm vụ nữa do Trung ương Hội Người cao tuổi giao phó. Đó là tổ chức in xuất bản tạp chí Người cao tuổi”.
Vậy bí quyết phát triển của tờ báo là gì?
Dứt khoát không “lá cải hóa”, thương mại hóa
Trong khi biểu đồ phát hành của báo giấy cả nước đang tuột dốc thê thảm, nhiều báo chạy theo thương mại hóa, "lá cải hóa" để giành giật bạn đọc, hoặc lấy quảng cáo làm nguồn sống duy nhất thì việc lấy phát hành làm trọng có lẽ là một điều kỳ lạ trong phát triển báo chí thời điểm hiện nay. Ấy vậy, điều đó lại là phương châm phát triển của Báo Người cao tuổi.
Chia sẻ tại hội nghị cộng tác viên, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho biết: “Với chủ trương dứt khoát không thương mại hóa, không lá cải hóa tờ báo của tầng lớp “cây cao bóng cả”, quan điểm của ban lãnh đạo báo xây dựng tờ báo theo hướng phát triển chủ yếu nhằm vào tăng trưởng phát hành chứ không chú tâm vào quảng cáo, không thiên về quảng cáo, bảo đảm cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên có thu nhập ổn định, có cuộc sống chủ yếu bằng nghề báo”.
Như để minh chứng cho điều này, ông Kim Quốc Hoa khẳng định: Trong số báo tết gần đây, nhiều báo có số lượng trang quảng cáo lớn, nhưng Báo Người cao tuổi có rất ít trang quảng cáo, chỉ khoảng trên dưới chục trang, phần lớn đến từ cộng tác viên. Điều này thể hiện Báo Người cao tuổi không tranh thủ tết để ồ ạt "săn" quảng cáo.
Một thực tế nhìn thấy được, qua theo dõi, đọc báo Người cao tuổi, những quảng cáo đăng trên các số báo thường của Báo Người cao tuổi chủ yếu của các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Phần lớn các sản phẩm quảng cáo trên báo đều nhằm đến khách hàng đối tượng là người già, người cao tuổi chứ không có hiếm thấy quảng cáo "kiểu quan hệ" như đã từng thấy ở đâu đó như: “Thanh tra X, Sở Y chúc mừng năm mới”...
Để phát hành được, Báo Người cao tuổi lấy mục tiêu đẩy mạnh phát triển nội dung, duy trì 2 mặt nội dung quan trọng là: “Xây” và “chống”. Nội dung “xây” viết về những điểm sáng, điển hình tiên tiến. Mục “Tuổi cao gương sáng” được duy trì thường xuyên nhằm tìm tòi và viết về những tấm gương người cao tuổi là điển hình cho con cháu noi theo. Ngoài ra, báo cũng bám sát các hoạt động của Hội Người cao tuổi, cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe cho người già.
Đặc biệt, nội dung “chống” (chống tiêu cực) cũng được Báo Người cao tuổi quan tâm đẩy mạnh. Báo đã là một trong những ngọn cờ đầu báo chí chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tổng biên tập Kim Quốc Hoa khẳng định trong quá trình cho đăng bài, phanh phui chống tham nhũng ông đã nhận được không ít lời đe dọa, gây áp lực của đối tượng bị phanh phui.
Với tư cách cá nhân, ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng, Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định Báo Người cao tuổi có nhiều thành công và đóng góp cho báo chí Việt Nam, với số lượng lớn bài viết về “mặt sáng” của đời sống xã hội, đồng thời cũng là tờ báo dám đương đầu phản ánh những vấn đề tiêu cực của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng, Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu. |
Có lẽ sẽ không một lời nào ấn tượng hơn khi nói về sự đón nhận của cộng đồng đối với Báo Người cao tuổi bằng hình ảnh cộng tác viên Trần Lê (Bắc Giang) lên đọc “những lời vàng với Báo Người cao tuổi”. Ông khẳng định: “Nhiều năm nay, tôi và gia đình thường xuyên đọc và làm theo Báo Người cao tuổi”. Như để minh chứng lời nói của mình, cộng tác viên tuổi 70 này đã giơ cao tờ giấy mời dự hội nghị cộng tác viên mà ông trân trọng ép plastic và cất giữ như một tờ giấy khen.