Báo Mỹ: Vợ đi "xuất khẩu", chồng không "hư" như báo đài vẫn nói
Vợ anh Pham Duc Viet (tên nhân vật được giữ nguyên theo bài đăng gốc) đã sang Đài Loan giúp việc được 9 năm nay. Công việc ở xứ người mang lại cho chị thu nhập cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa ở quê nhà. Nhưng kể từ đó, anh Viet phải thay vợ quán xuyến hết việc nhà và nuôi dạy 2 con, bên cạnh việc làm nông và làm thợ mộc.
Anh Pham Duc Viet đứng trước xưởng mộc nhà mình, cơ ngơi do hai vợ chồng cùng vun vén có được (Ảnh: AP) |
Giờ đây, việc phải gánh trách nhiệm gấp đôi đã trở thành điều đương nhiên đối với anh Viet, cũng như nhiều người đàn ông khác ở trong ngôi làng này. Hàng trăm phụ nữ đã rời khỏi các làng quê ở Vũ Hội, một địa phương cách Hà Nội khoảng 120km về phía nam.
Họ đi tìm kiếm những công việc có thu nhập tốt hơn ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản rồi gửi tiền về cho gia đình. Số tiền đó chiếm một phần lớn lượng kiều hối do xuất khẩu lao động gửi về trong suốt 15 năm qua.
“Cũng không có gì cả. Tôi cố gắng làm tất cả để con cái mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, anh Viet nói.
Khoản tiền vợ anh Viet kiếm được đủ để trả chi phí ăn học cho hai con hiện đang học tại trường đại học và mở một xưởng mộc ở cạnh nhà.
Xu hướng phụ nữ rời khỏi làng quê ra nước ngoài lao động ở Việt Nam đang ngày càng giống với những gì đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác như Indonesia, Philippines và Sri Lanka, nơi phụ nữ chiếm đến 2/3 lực lượng lao động xuất khẩu. Ở Việt Nam, tỷ lệ này đang là khoảng 1/3.
Ở nước ngoài, với những công việc như giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh, phụ nữ có thể kiếm được nhiều tiền hơn cả nam giới khi họ làm những công việc tay chân khác. Chỉ có điều, xu hướng này đang để lại một hiện tượng mà các chuyên gia gọi là “gà trống nuôi con”, hiện tượng vốn được coi là trái ngược so với truyền thống cũ ở Việt nam.
Theo truyền thông Việt Nam, sự thiếu vắng phụ nữ đã gây ra nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng. Ở những làng quê khác như Vũ Hội, nhiều người đàn ông đã sa đà vào rượu chè, nghiện ngập và tìm đến gái mại dâm.
Nhưng theo lời những ông bố được Reuters phỏng vấn tại Vũ Hội, báo chí Việt Nam đã phóng đại quá mức. Những điều đó chỉ đúng với một vài trường hợp, còn lại hầu hết đàn ông ở các làng quê đều vẫn cố gắng làm thêm nhiều việc để giúp đỡ gia đình.
Việc nấu ăn cũng là một thách thức, nhưng không có gì là không thể vượt qua. “Dù sao, đối với nhà nông chúng tôi, bữa cơm nó cũng đơn giản lắm”, anh Vu Duc Hang, một ông bố nuôi hai con khi vợ vắng nhà nói.
Hiện vẫn có rất ít những nghiên cứu xã hội về tác động của hiện tượng “gà trống nuôi con” ở các gia đình có vợ/mẹ đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.
Tuy nhiên, một khảo sát năm 2008 trên 1100 gia đình có phụ nữ vắng nhà tại Việt Nam cho thấy 2/3 đàn ông trong sẽ thay vợ gánh vác trách nhiệm quán xuyến việc nhà, một con số trái ngược hoàn toàn với các nước Philippines hay Srilanka, nơi mà con số này chỉ dừng lại ở ¼.
Một nghiên cứu khác của cô Hoàng Lan Anh, giảng viên tại Đại học Melbourne, thực hiện tại Việt Nam cho thấy việc phụ nữ đi nước ngoài làm việc không phải là nguyên do chính dẫn đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên thống kê, khảo sát tại một số làng quê Việt Nam, trong đó có Vũ Hội, Vũ Tiến và các làng quê ở Thái Bình, Hải Dương khác...
“Đàn ông ở các vùng quê Việt Nam không ngại làm việc nhà. Họ thường xuyên làm những việc đó nên không cảm thấy quá khó khăn khi vợ đi vắng”, cô Lan Anh nói.
Các lãnh đạo địa phương cũng đồng ý với điểm này. “Đương nhiên là có cả chuyện xấu và chuyện tốt khi mà người vợ đi xuất khẩu lao động nhưng báo chí chỉ luôn tập trung vào chuyện xấu thôi.
Ở Việt Nam, chúng tôi tự hào về chuyện bình đẳng giới, khi người phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài, hầu hết đàn ông đều cố gắng quán xuyến chăm lo mọi việc”, ông Pham Ngoc Thuy, một cán bộ địa phương của Vũ Hội nói.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng số tiền mà các lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về mỗi năm hiện nay ước đạt hơn 2 tỷ USD. Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc là 3 địa điểm chiếm top đầu trong bảng thống kê này.
Tran Xuan Cuong, một nông dân khác ở cạnh làng Vũ Hội nói vợ anh đã gửi về được 170 triệu đồng. Số tiền đó anh dùng để xây nhà, đầu tư nuôi lợn và nấu rượu.
Anh Cuong cho biết, một số hàng xóm của anh cũng sa đà vào rượu chè, nghiện ngập nhưng anh không bao giờ để mình bị lôi kéo.
“Vừa làm bố vừa làm mẹ thì cũng nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm vì đó là nghĩa vụ”, Cuong chia sẻ khi gặp gỡ trong phòng khách nhà mình.
Những người phụ nữ, họ cũng đã phải hy sinh rất nhiều, chấp nhận xa chồng và xa con chỉ để đi kiếm tiền ở nước ngoài.
“Mọi thứ đều là vì cuộc sống gia đình thôi. Chúng tôi đều phải vượt qua nhiều khó khăn”, chị Pham Thi Lien, vợ của anh Cuong nói.
Anh Viet cho biết, có thể vợ anh sẽ về nước trong cuối năm nay. “Tôi không ngại việc nhà nông nhưng khi cô ấy trở về nhà, tôi sẽ hạnh phúc hơn và có thể trở lại làm những việc khác”, anh Viet nói với một nụ cười nở trên môi.
Bài viết được lược dịch từ nội dung của hãng tin AP, đăng trên trang Japannews.com, một tờ tin tức tiếng Anh của Nhật Bản.