Bạo lực phụ nữ ở Đà Nẵng: Những con số thống kê vẫn còn quá ảo
Ông Vũ Duy cho rằng một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Ảnh minh họa/nguồn internet |
Được thành lập từ 3/2010, trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng có nhiệm vụ nâng cao năng lực cộng đồng về phát triển nghề công tác xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trợ giúp người khuyết tật. Đồng thời thực hiện các dự án liên quan khác tùy theo ủy quyền của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng.
Trong 2 năm 2011-2012 triển khai thực hiện, thông qua đường giây nóng và tiếp xúc trực tiếp tại văn phòng, trung tâm đã tiếp nhận gần 480 thông tin của phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật, trong đó có 5 trường hợp phụ nữ bị bạo hành.
Chia sẻ về vấn con số này, chuyên viên Vũ Duy cho biết: “Do trung tâm mới đi vào hoạt động nên nhiều người còn chưa biết đến trung tâm, nhiều người bị bạo lực lại tìm đến cán bộ phụ nữ vì vậy thường họ sẽ kết nối ngay cho phụ nữ thành phố. Đấy là còn chưa tính đến những trường hợp bạo hành nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng mà âm thầm chịu đựng”.
Chuyên viên nhấn mạnh: “Riêng về vấn đề phụ nữ bạo hành thì trung tâm là đơn vị kết nối qua hội Liên hiệp phụ nữ hoặc bên Trung tâm trợ giúp pháp lý bởi Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng vẫn chưa tự chủ được trong vấn đề này”.
Chỉ ra nguyên nhân bạo lực gia đình, ông Vũ Duy cho rằng nguyên nhân thường là khi người nam say rượu, nhưng rượu không phải là nguyên nhân căn bản, nó chỉ là cái cớ cho những vướng mắc vốn tồn tại từ trước.
Bạo hành được nhận thấy có tỷ lệ cao ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, người chồng không có việc làm… Tuy nhiên điều này không có nghĩa là giàu có hay được học hành đầy đủ bảo đảm chắc chắn gia đình hòa thuận.
Ðiều đáng quan tâm nữa là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Nhiều vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy tính phòng ngừa răn đe hạn chế.
Để giải quyết được tình trạng này theo chuyên viên cần phải áp dụng tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó phòng ngừa là chủ yếu. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội.