Báo động doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 5/2017, cả nước có 10.954 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 119.200 tỷ đồng, tăng 9,3% về số doanh nghiệp và tăng 17,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa |
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lên tới 5.332 doanh nghiệp, tăng 26,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Có 13.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 64.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoàn tất giải thể trong 5 tháng đầu năm cũng lên tới 4.685, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng ở mức là 32.148 doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh- Cục trưởng Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đặc biệt như năm 2016, đạt kỷ lục với 110.000 doanh nghiệp mới ra đời - đó là sự khởi sắc và cho thấy hiệu quả, tác động tích cực của công cuộc cải cách môi trường kinh doanh, cải cách đăng ký kinh doanh.
Theo bà, có nhiều điểm sáng được cho là bệ đỡ cho kỷ lục trên trong đăng ký kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 đã giải phóng quyền tự do kinh doanh, chuẩn hóa quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hơn 6.000 giấy phép con, cùng thông điệp “không hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, chỉ thanh tra kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm… của Chính phủ đã tạo động lực tích cực đến tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng kinh doanh mới.
Bên cạnh đó là giảm chi phí tối đa trong gia nhập thị trường. Thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước từ 32 ngày (trước năm 2005) nhưng nay chỉ còn 3 ngày. Đối với đăng ký kinh doanh, thái độ phục vụ của cán bộ trong ngành đã có tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp giải thể cũng chiếm số lượng lớn. Theo bà, điều này cho thấy những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để như: vay vốn, lãi suất, chi phí không chính thức vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân- Nguyễn Trọng Điều, doanh nghiệp tư nhân cần môi trường, đầu tư lành mạnh, ổn định, tránh rủi ro, thủ tục hành chính đơn giản, thông thoáng, đừng “khó như lên trời” thì doanh nhân mới làm được.
Kinh nghiệm của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã chỉ ra rằng phải cải cách hành chính nếu không kìm hãm, doanh nghiệp không phát triển được.
Mặt khác, cần liêm chính trong chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp. Chỉ có Chính phủ liêm chính chưa đủ mà các cấp, các ngành phải liêm chính, thẩm thấu tư tưởng của Chính Phủ mà có cư xử đúng với doanh nghiệp.