Báo chí viết về tội ác: Báo nước ngoài không mô tả “trần truồng”
Báo chí phương Tây không đăng ảnh những người liên đới trong quá trình vụ án đang được điều tra |
Không đưa tin “cướp, giết, hiếp” những ngày cuối tuần
Trao đổi với Infonet về vấn đề này, TS Bùi Chí Trung, giảng viên Khoa Báo chí, trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia HN) cho biết: Trong lịch sử báo chí phương Tây cũng có những giai đoạn tập trung vào các đề tài "giật gân" (cướp, giết, hiếp).
Nguyên nhân là do kinh tế, xã hội có những thay đổi. Vì thế xã hội xuất hiện nhiều bi kịch, nhiều mâu thuẫn nhưng không được kiểm soát đầy đủ bằng thể chế, pháp luật... điều này khiến cho ranh giới nhân tính bị phủ mờ. Và báo chí là “tấm gương của xã hội” nên cũng sẽ phản ánh những hiện tượng đó.
TS Bùi Chí Trung |
Vậy với báo chí phương Tây hiện nay có phản ánh những vụ giết người hay không? Trả lời câu hỏi này, TS Trung cho biết, đó vẫn là mảng nóng để các hãng thông tấn khai thác. Có những hãng truyền thông còn điều hẳn máy bay bay vè vè phía trên nơi diễn ra vụ việc để truyền hình trực tiếp.
“Tuy nhiên, họ có những ngưỡng vô hình để truyền thông tới công chúng cũng như độc giả. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một mẩu tin ngắn nào đăng tên đầy đủ của nạn nhân trong một vụ án mạng, càng không bao giờ tìm thấy danh tính của những người liên đới trên báo phương Tây” – TS Trung nhấn mạnh.
Thậm chí, với một nền “công nghiệp” báo chí phát triển mạnh như ở Mỹ với hàng trăm hãng thông tấn, tạp chí, trang website thì theoTS Trung những kênh chuyên về giải trí, gia đình cũng chỉ đăng tải những vụ “cướp, giết hiếp” vào những ngày đầu tuần ( thứ 2, thứ 3 và thứ 4).
Vì sao họ lại làm việc này trong khi không có cơ quan quản lý nào “cấm” họ chỉ được đăng trong những ngày đó? Đơn giản là vì bản thân những nhà sản xuất đã có chủ ý rất rõ, họ quan niệm cuối tuần giành cho những vấn đề mang tính thư giãn, mang lại sự thư thái nghỉ ngơi cho chính độc giả của họ.
Không bao giờ mô tả chi tiết vụ việc
Mặt khác, cách đưa tin của họ cũng rất “nhân văn”. Đó là với những vụ trọng án, hay “thảm sát” như báo chí Việt Nam đang nhắc đến gần đây thì cách họ mô tả hành vi man rợ cũng đáng để chúng ta học hỏi.
Báo chí phương Tây không bao giờ mô tả chi tiết cảnh bắn giết, cứa cổ với máu me be bét (không theo kiểu "trần truồng" như cách chúng ta đang làm hiện nay); càng không có chuyện trưng ảnh, trưng tên, địa chỉ chi tiết của nghi can, của nạn nhân và thậm chí cả những người liên đới với nạn nhân.
Chẳng hạn như vụ thảm sát ở Bình Phước, rất nhiều báo chí đã khai thác triệt để lời khai “rùng rợn” của hung thủ rằng: “Trước khi ra tay với người yêu cũ cũng là nạn nhân cuối cùng, Dương bắt Linh ngồi trước mặt, bên cạnh là thi thể của Tố Như, và tâm sự nỗi lòng của một gã thất tình bệnh hoạn. Mặc cho Linh cầu xin trong sợ hãi, Dương lạnh lùng ra tay với nhát dao ngay cổ sau khi “nói hết lời”.
Hoặc gần đây nhất là vụ thảm sát ở Yên Bái, hầu hết các báo đều mô tả từng chi tiết hung thủ ra tay giết hại 4 nạn nhân, gia đình hàng xóm ra sao. Từ chi tiết hung thủ cự cãi với người hàng xóm rồi xông vào đánh nhau đến việc người vợ nạn nhân can ngăn, gọi điện thoại cứu viện nhưng bất thành và “hiện trường” vụ án được bày ra trước hàng triệu độc giả.
TS Trung cho biết, chắc chắn đọc những dòng này, người đọc sẽ hình dùng ra cơ bản sự việc: “Thấy chồng bị đánh, chị Hoa gọi điện về cho gia đình thông báo. Trong khi đó, anh Long bỏ chạy thì bị Hùng dùng dao quắm chém vào lưng, làm con dao bị gẫy. Không chịu dừng tay, Hùng tiếp tục đuổi chém anh Long đến khi nạn nhân gục xuống. Lúc này, chị Hoa sợ hãi hô lớn “sao lại chém chồng cháu?” thì Hùng cầm dao đuổi chém chị Hoa, khiến chị này tử vong tại chỗ. Hùng tiếp tục chạy đến lán của nhà anh Long, thấy chị Hà trong lán, Hùng dùng dao chém nhiều nát vào vai và cổ chị Hà đến khi chị này gục xuống. Thấy cháu Tuyền đứng trên giường, Hùng tiếp tục ra tay sát hại cháu bé”.
TS Trung nhấn mạnh, với những vụ việc như thế này, báo chí phương Tây sẽ dùng phương pháp phục dựng. Họ mô tả hành vi một cách chính xác, nhưng hình ảnh của người bị hại và nghi can không bao giờ lộ diện trên mặt báo hay trên truyền hình. Ví dụ, khi phản ánh một vụ giết người (trong đó nạn nhân đã bị bắn chết gục trên đường phố hoặc trong văn phòng), thì họ sẽ không bao giờ quay cận cảnh nạn nhân với máu me be bét thay vào đó họ sẽ quay dấu phấn vẽ tư thế nạn nhân chết mà cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường.
“Xu hướng của báo chí những nước phát triển là mỗi nhà báo sẽ là một chuyên gia phân tích về một vấn đề trong xã hội chứ không phải chạy theo những vụ việc giật gân, câu khách… Họ hướng tới giá trị nhân văn, đề cao những giá trị tốt đẹp của con người” – TS Trung chia sẻ.