Báo chí tuyên truyền rất mạnh về chủ quyền biển đảo
Ông Hà Minh Huệ (Ảnh: Xuân Hải) |
Liên quan đến giải báo chí Quốc gia năm 2013 được Ban tổ chức trao giải vào tối qua 21/6, bên lề Quốc hội, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ông Hà Minh Huệ cho rằng: “Mặc dù, năm 2013 chủ đề về biển đảo không lớn như năm nay, nhưng là năm có sự kiện kỷ niệm 25 năm hải chiến ở Trường Sa khi Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta. Qua đó, thể hiện rõ sự kiên cường, tự chủ, tuyên truyền bảo vệ lãnh thổ của chúng ta rất cao”.
Ông Huệ cho biết: Điểm mới của Giải báo chí năm nay cũng nhiều hơn những năm trước, số lượng các tác phẩm gửi dự thi cũng nhiều hơn, số các tổ chức hội, các cơ quan báo chí cũng đông hơn và đặc biệt, chất lượng của các tác phẩm dự thi năm nay cũng đồng đều hơn và cũng có nhiều giải A hơn.
"Một điểm mới nữa ở đây là chúng tôi thấy những tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến được giải báo chí nhiều hơn. Vì báo chí chúng ta cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã tổ chức thi viết về đề tài này, nên báo chí chúng ta đã vào cuộc một cách rất tích cực. Đấy là thành công của chúng ta, nhiều tác phẩm về tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, đấy là một trong những điểm mới của giải báo chí năm nay", ông Huệ cho hay.
Theo ông Huệ, nhìn chung báo chí chúng ta cũng tham gia đầy đủ những vấn đề nóng, vấn đề lớn của đất nước. Ví dụ như chúng ta đã thực hiện tuyên truyền về Nghị quyết đại hội lần thứ XI, nhưng gắn với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhiều tác phẩm viết về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay, những chủ đề về chống tiêu cực cũng khá nổi trội, nhưng theo đánh giá chung chủ đề chống tiêu cực không lấn át như những năm trước, nhưng nhưng tác phẩm về chủ đề này đã tập trung đi vào chiều sâu hơn, đây là đặc điểm mà chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy.
Liên quan đến vai trò của báo chí, đặc biệt dư luận đăng băn khoăn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được coi là thi hành công vụ, ông Hà Minh Huệ cho biết: Chúng tôi cũng mong muốn có một điều khoản của pháp luật quy định, tác nghiệp báo chí là thi hành công vụ. Bởi vì, nhà báo có nhiều lúc phải làm việc trong điều kiện hết sức phức tạp, khó khăn, có khi nguy hiểm đến tính mạng và chúng ta đấu tranh chống tiêu cực thì tất nhiên có những lực lượng tiêu cực phản ứng lại chúng ta.
Cũng theo ông Huệ, cho đến nay đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc này, nhưng cũng có ý kiến cho rằng hoạt động báo chí là chỉ đi làm nhiệm vụ phản ánh, cho nên không phải là đi thực thi một nhiệm vụ mà nhà nước giao giống như lực lượng an ninh trật tự, công an. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ báo chí tác nghiệp là thi hành công vụ và báo chí chúng ta thực sự vào cuộc rất mạnh mẽ, chống tham nhũng trên mọi diễn đàn. Tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã nhận định nhiều vụ tiêu cực phát hiện được cũng là do báo chí phanh phui và thực sự cũng đã xảy ra nhiều trường hợp phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp.