Báo chí trong mắt nghề khác: Luật sư nói gì?
Trong xã hội muôn màu, mỗi nghề sinh ra đều có sứ mệnh và thiên chức riêng. Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều nghề mới phát sinh, những nghề cũ cũng sẽ biến đổi muôn hình vạn trạng hơn. Nghề báo chí truyền thông không phải là quá mới mẻ, nhưng với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ công nghệ thông tin, thì nghề báo càng ngày càng “khác xưa”.
Và cũng bởi lẽ đó, cái nhìn của ngành nghề khác với nghề báo cũng đa dạng hơn. Nhà nghiên cứu luật pháp, thực hành pháp luật, nhà lập pháp sẽ nói báo chí là tiếng nói phản biện, cầu nối để hoàn thiện và phổ biến chính sách. Với chính trị gia sẽ nói, báo chí góp phần làm minh bạch hóa xã hội, làm cho xã hội tốt lên. Nhưng một vài bác sĩ, một vài cảnh sát giao thông, một vài doanh nghiệp… sẽ mong báo chí hãy “ngủ yên”.
Dù nói thế nào, báo chí truyền thông cũng vẫn là một phần không thể thiếu được của cuộc sống này. Vậy các ngành khác nhìn nhận báo chí thế nào, muốn báo chí sẽ thay đổi theo hướng nào?
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2016), Infonet trân trọng đăng tải những ý kiến của những người làm nghề khác về nghề báo. Những ý kiến này sẽ là lời động viên, khích lệ, đồng thời cũng sẽ là lời góp ý thẳng thắn để những người làm báo hoàn thiện hơn.
Dưới đây là các ý kiến của các luật sư về nghề báo.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng |
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TpHCM): Những người làm việc "nhạy cảm" thì khó tránh khỏi thị phi.
Bỏ qua những lý thuyết cao siêu về nghề, chúng ta dễ dàng nhận thấy, báo chí, người làm báo rất gần gủi với đời sống xã hội, với nhân dân. Báo chí không chỉ có nhiệm vụ phản ánh chân thật, khách quan hiện thực xã hội mà còn phản biện chính sách, đấu tranh với những sai trái trong xã hội. Xã hội càng dân chủ, văn minh, báo chí càng có vai trò quan trọng, ngược lại, báo chí cũng góp phần làm cho xã hội dân chủ, văn minh hơn.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, vai trò và công lao của báo chí là rất lớn. Trong đó, phản biện của báo chí là một trong những công cụ hữu hiệu để cải thiện mọi mặt đời sống xã hội. Nếu không có phản biện, những tiêu cực, nhũng nhiễu, những rào cản chính sách khó có thể gỡ bỏ. Báo chí không phải là người trong cuộc, nên dễ quan sát và có cái nhìn khách quan hơn, báo chí có thể huy động nhiều nguồn lực của xã hội, như tri thức của tầng lớp trí thức, nên phản biện sẽ tốt hơn.
Khi nào cũng vậy, trước một công việc, dù bình thường đi nữa, thì xã hội cũng luôn có cái nhìn đa chiều về nó. Có người khen, có người chê, có người thích, có người ghét... Và tất nhiên, với những công việc, tạm gọi là “nhạy cảm” thì không thể tránh được những thị phi. Khi một xã hội chưa thật sự minh bạch về cơ chế, các nhà báo chống tiêu cực rất khó để thực hiện nhiệm vụ. Khác với cơ quan điều tra, có quyền lực trong tay, còn nhà báo, buộc mình phải sử dụng những nghiệp vụ, dễ “gây khó chịu” cho người khác, cho nên có cái nhìn thiếu thiện cảm, cũng là điều dễ hiểu.
Theo tôi, nghề báo là nghề đặc thù, như bao nghề đặc thù khác, cũng có người này, người kia. Trong hoạt động báo chí, đâu đó chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những phóng viên báo chí tác nghiệp sai quy trình, trái đạo đức nghề báo. Điều đó gây không ít phiền toái cho các tổ chức, cá nhân liên quan, trong ánh mắt họ, hình ảnh cao quý, tốt đẹp của nghề báo cũng giảm sút một phần. Một số cá nhân hoạt động báo chí cũng có khi trở thành công cụ phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó, điều này thì rất nguy hiểm.
Hơn bao giờ hết, báo chí hiện có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy xã hội phát triển. Thiết nghĩ, Hội nhà báo cần sớm hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề báo và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo kỹ năng, kiến thức và quan trọng là đạo đức ứng xử để nhà báo trở thành người bạn thân thiết của doanh nghiệp và người dân. Nhân ngày báo chí Việt Nam, tôi kính chúc các nhà báo sức khỏe, bút sắc lòng trong, tu rèn phẩm chất và cầm chắc cây viết như một vũ khí phản ánh, phản biện sắc sảo giúp xã hội tiến bộ, dân chủ, văn minh hơn.
Luật sư Nguyễn Danh Huế |
Luật sư Nguyễn Danh Huế (đoàn luật sư Tp Hà Nội): Chống tiêu cực, Nhà báo phải vượt qua cám dỗ.
Báo chí là công cụ và giữ vai trò chính trong việc phản biện xã hội, chúng ta thử hình dung nếu không có vai trò của báo chí thì gần như không thể có công cụ để phản biện xã hội. Thông qua báo chí mọi ý kiến khác nhau được chia sẻ, bàn luận và phân tích nhằm cung cấp cho xã hội một cái nhìn đa chiều và từ đó chân lý được tìm ra.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực thì báo chí luôn giữ vai trò tiên phong và là một công cụ hết sức hữu hiệu, điều đó đã được khẳng định. Tuy nhiên có không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm với báo chí vì trong không ít vụ việc nhiều nhà báo đã cung cấp những thông tin không khách quan, áp đặt ý chí chủ quan của mình lên bài báo để làm cho dư luận có những cái nhìn sai lệch, không phải không có.
Trong bất kỳ ngành nghề nào thì người làm nghề cũng cần có sự nhiệt huyết, sang tạo và lương tâm trong sáng nhưng đối với nghề báo thì đòi hỏi phải cao hơn thế. Báo chí giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội nên người làm báo là người luôn phải đi đầu, phải không ngừng học tập để nâng cao nhận thức và có tư duy độc lập, phải rèn luyện bản lĩnh để vượt qua cám dỗ. Như thế mới có những sản phẩm báo chí kịp thời, khách quan và có giá trị. Điều quan trọng hơn nữa là Nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý hoàn thiện cho hoạt động báo chí để phát huy hết vai trò và năng lực của người làm báo cũng như đảm bảo rằng hoạt động của báo chí luôn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Luật sư Phạm Công Út |
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TpHCM): Trước những vụ án oan, nếu không có nhà báo, luật sư chúng tôi chỉ gào thét vô vọng.
Nghề báo cũng như người đưa đò, cũng như người đưa tin, mô tả chân thực bức tranh thực trạng xã hội, nên lúc nào nhà báo gác bút thì xã hội sẽ như đang dò dẫm trong bóng tối không hề thấy một tín hiệu, chẳng nghe được một thông tin. Vì vậy, theo tôi thì nhà báo có một vị trí đặc biệt quan trong với vai trò phản biện xã hội như những tiếng chuông ngân nga. Có điều, đó là tiếng chuông rè hay tiếng chuông thánh thót còn tùy thuộc vào tâm và đức của người gióng lên những tiếng chuông ấy.
Nghề nhà báo có vẻ như cũng giống như nghề luật sư, khi nhà báo cảnh báo xã hội về những hiện tượng tiêu cực thì những chủ thể tiêu cực kia sẽ bịt mồm nhà báo, có khác nào luật sư bảo vệ thân chủ, nhưng điều đó có nghĩa là phản biện lại với các cơ quan tiến hành tố tụng..
Là luật sư, chúng tôi không thể tự năng lực của mình để bào chữa minh oan cho một người lương thiện nào đó trước tòa, phải “nội công, ngoại kích”, luật sư dũng cảm phải cần các nhà báo dũng cảm. Cả hai phía không ngại thách thức, cùng lao vào chỗ hiểm nguy để cứu người ra khỏi chốn nguy hiểm. Vụ đại oan Huỳnh Văn Nén là một minh họa sống động cho điều ấy. Nếu không có các nhà báo cùng đồng hành thì các luật sư cũng chỉ là tiếng gào vô vọng trong bốn bức vách giữa chốn pháp đình như thân chủ của mình mà thôi. Vì thế, trong một xã hội dân chủ, văn minh, các luật sư vẫn luôn cần tới những ngọn bút chiến của các nhà báo để cùng nhau bảo vệ công lý.
Tôi nhớ đâu đó, Albert Camus từng cho rằng, báo chí tự do dĩ nhiên có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do thì báo chí chỉ có thể là xấu. Do vậy cũng tùy thuộc vào từng ký giả, nếu mỗi nhà báo tự định hướng cho mình thì sẽ gặt thu hoạch kết quả lại cho mình. Riêng tôi vãn luôn mong báo giới VN sẽ ngày càng tiến bộ để thế giới phải nghiêng mình.