Báo chí toàn quốc nhìn lại hoạt động 2014 và hướng đến 2015
Sáng nay, 31/12/2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Tham dự có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành đoàn thể, các cơ quan chủ quản báo chí, sở TT&TT, tổng biên tập và nhiều cơ quan báo chí….
Đây là dịp để các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí nhìn nhận lại những hoạt động đã qua và thống nhất định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Nhiều kết quả tốt song vẫn có khuyết điểm
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2014 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Trong năm qua, phần lớn các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân. Những kết quả đáng ghi nhận gồm: Các cơ quan báo chí tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Báo chí phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, kiến nghị đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội, tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân; Các cơ quan báo chí tích cực đấu tranh khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”, nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”; Nhiều cơ quan báo chí phát huy tốt ưu thế các ấn phẩm, chương trình bằng tiếng nước ngoài, đưa thông tin lên Internet để phục vụ đối tượng khán giả là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam những người quan tâm đến Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: B.M |
Tuy nhiên, hoạt động thông tin trên báo chí vẫn còn một số khuyết điểm. Điển hình là: Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chưa được khắc phục, không ít ấn phẩm phụ của báo in, báo điện tử và chuyên trang của báo điện tử đăng tải nhiều thông tin tiêu cực, giật gân câu khách, gây phản cảm; Một số cơ quan báo chí đăng, phát các thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm phương hại đến lợi ích đất nước, nhiều cơ quan báo chí chưa tích cực tham gia đấu tranh với những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị;
Do cạnh tranh chạy đua thông tin, không ít báo, đài, tạp chí thông tin sai sự thật, nhất là các báo điện tử và báo in, tiếp nhận thông tin đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng bỏ qua khâu thẩm định, xác minh, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân;
Vi phạm về quảng cáo trên báo chí thể hiện ở một số dạng như: thông tin quảng cáo quá tính năng, tác dụng của hàng hóa, quảng cáo sản phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng gây hiểu lầm là sản phẩm thuốc, quảng cáo quá tần suất, thời lượng theo quy định, quảng cáo những hàng hóa không được quảng cáo trong “giờ vàng”;
Vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí có xu hướng gia tăng, nhất là đối với báo điện tử, báo hình, một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn...
Nhiều cơ quan báo chí thiếu chặt chẽ trong tuyển dụng cộng tác viên khai thác quảng cáo và cấp thẻ phóng viên hoặc giấy chứng nhận phóng viên cho đối tượng này một cách tùy tiện. Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp vẫn diễn ra.
9 nhiệm vụ trong 2015
Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, dự kiến một số nhiệm vụ chủ yếu trong hoạt động báo chí và công tác báo chí trong năm 2015 như sau:
Thứ nhất, tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2015 theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam như 85 năm thành lập Đảng; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 40 năm Đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9…
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: B.M. |
Thứ hai, tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt năm 2015 và đầu năm 2016. Đồng thời chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đại hội Đảng.
Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 646 tạp chí (513 tạp chí Trung ương, 133 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia.
Về báo điện tử, cả nước có 98 báo, tạp chí điện tử (tăng 3 báo, 3 tạp chí so với năm 2013). Trong đó có 76 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 20 báo, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức khác.
Về phát thanh, truyền hình, hiện cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình, 180 kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá, 75 kênh truyền hình trả tiền.
Do khó khăn của nền kinh tế, các cơ quan báo chí cắt giảm nhiều chi phí, tăng việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí mang tính thường xuyên không thay đổi nhiều so với năm 2013. Đến tháng 12/2014, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa có đủ điều kiện cấp thẻ.
Thứ tư, tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo và chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực đấu tranh, phê phán tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Thứ năm, khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch theo lộ trình đã đề ra một cách nghiêm túc, kiên quyết chấn chỉnh, làm lành mạnh hoạt động báo chí, loại bỏ những sản phẩm báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích; không thực hiện nghiêm túc định hướng thông tin, tuyên truyền; có hại cho xã hội.
Thứ sáu, Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí thực hiện xây dựng Luật Báo chí bảo đảm chất lượng, nội dung, tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2015.
Thứ bảy, thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng tuyên truyền các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm theo Quy định 157 của Ban Bí thư (khóa X). Tuyên truyền có hiệu quả các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, quan hệ quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền Tổ quốc, đồng thời, gìn giữ môi trường ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước, đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Thứ tám, tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Thứ chín, tổ chức tốt Hội Báo Xuân năm 2015 tại Hà Nội.