Bánh tét Trà Cuôn: Đặc sản của đất Trà Vinh
Bánh tét Trà Cuôn: Đặc sản của đất Trà Vinh
Tết Nguyên đán sắp đến, để tận mắt chứng kiến cách chế biến cũng như tìm hiểu những bí quyết gia truyền của loại đặc sản dân dã này, PV báo điện tử Infonet đã “đột kích” làng nghề bánh tét Trà Cuôn.
Chợ Kim Hòa nổi tiếng nhờ bánh tét Trà Cuôn
Từ thị xã Trà Vinh theo Quốc lộ 53, vừa đến chợ Kim Hòa (còn gọi là chợ Trà Cuôn) thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đã thấy hàng chục quầy bán bánh tét: Bình Minh, Hai Lý, Út Bạch Lan… nằm dọc hai bên đường cùng những bảng hiệu quảng cáo đủ màu “Bánh tét - bánh ít Trà Cuôn – Đặc sản Trà Vinh”.
Dọc hai bên đường, hàng chục sạp chuyên bán loại đặc sản này
Ấp Trà Cuôn có 375 hộ, trong đó có đến 124 hộ tham gia sản xuất, cung cấp nguyên liệu, bán sỉ, lẻ bánh tét, chiếm 33% dân số trong toàn ấp. Ở vùng này, khi nhắc đến lò bánh của chị Thạch Thị Trơn - 1 trong 8 người con của bà Thạch Thị Lý, người khởi nghiệp làng nghề, ai ai cũng biết.
"Lò" bánh của chị Thạch Thị Trơn
Theo chị Trơn, muốn làm được chiếc bánh tét ngon, để được lâu ngày, các khâu chuẩn bị nguyên liệu phải chu đáo. Trước tiên, lá chuối gói bánh phải được lau kỹ từng chiếc một.
Lá chuối được lau kỹ trước khi dùng gói bánh
Để đòn bánh có vị vừa ăn, tất cả các nguyên liệu từ nếp, thịt, mỡ, đậu xanh (trừ lòng đỏ trứng vịt muối) đều được tẩm ướp các loại gia vị như: Hành lá, muối, đường, bột ngọt... cùng một chút “bí kíp gia truyền”.
Lấy màu tự nhiên cho bánh tét
Khi gói bánh, người gói phải chọn nếp sáp có độ dẻo phù hợp, vo sạch để ráo, trộn nếp với nước lá bồ ngót, nước lá bồ ngót sẽ làm cho đòn bánh tét có màu xanh trông đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không dùng phẩm màu.
Đậu xanh được nấu chín, tán nhuyễn pha thêm gia vị để tạo hương vị riêng
Nhân bánh tét tổng hợp, gồm: thịt, mỡ heo, lòng đỏ trứng hột vịt muối, hoặc nhân chuối, nhân đậu xanh với nước tro…
Thịt, mỡ heo được ướp gia vị trước khi gói
Điểm khác biệt của bánh tét Trà Cuôn là trong phần nhân còn có thêm trứng muối, nhằm làm phong phú thêm khẩu vị cho thực khách.
Mỗi đòn bánh có khoảng 2 trứng muối
Tất cả những thứ trên được hòa chung tạo thành phần nhân bánh. Phần nhân nhiều hơn phần nếp để giúp người dùng không bị ngán.
Cho phần nhân vào giữa lớp nếp trước khi gói
Theo chị Trơn, bí quyết để kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm được lâu từ 7 - 8 ngày là, khi gói bánh người gói phải buộc chặt đòn bánh, để khi cho vào nối hấp đòn bánh không bị thấm nước. Tất cả đều thống nhất với nhau về kích cỡ, trọng lượng của từng loại bánh để giữ uy tín cho thương hiệu.
Buộc chặt đòn bánh để khi nấu không bị thấm nước
Gần đây, nhiều người đã ăn theo thương hiệu Trà Cuôn bằng cách “tự cung, tự tiêu” nhằm tăng lợi nhuận. Tuy bên ngoài không có sự khác biệt, nhưng chất lượng, mùi vị đặc trưng bên trong của bánh không ngon như bánh “gia đình bà Lý”.
Nhiều khách hàng mua phải loại này khi dùng đã cho rằng, bánh tét Trà Cuôn cũng chẳng có gì đặc biệt, vô hình trung làm giảm uy tín của loại đặc sản dân dã truyền thống này.
Đặc sản bánh tét Trà Cuôn
"Bánh tét Trà Cuôn đã có tiếng, mỗi ngày có hàng ngàn sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Vào các ngày lễ, Tết số lượng tăng gấp nhiều lần. Chứng tỏ con đường hình thành một thương hiệu “Made in Trà Cuôn” đang tiến triển tốt.
Vì vậy, xây dựng một thương hiệu cho bánh tét Trà Cuôn là việc cần làm. Chúng tôi đang xúc tiến thủ tục xây dựng thương hiệu cho làng nghề, để đưa sản phẩm đi xa hơn nữa”, ông Lê Thanh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết.
Nhãn hiệu bánh tét Trà Cuôn trở nên nổi tiếng, người tiêu dùng khắp nơi đặt hàng với số lượng lớn vào các dịp lễ, Tết. Vào các ngày cận Tết, nhiều cơ sở bỏ mối khắp nơi với số lượng trung bình 2.000 – 3.000 đòn/ngày.
Nhiều du khách, Việt kiều đã biết đến bánh tét Trà Cuôn
Nghề gói bánh tét ở Trà Cuôn vẫn còn hạn chế đó là chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. UBND huyện Cầu Ngang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đề án “Phát triển làng nghề bánh tét Trà Cuôn”, đang trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận.
Theo đề án, giải pháp để phát triển làng nghề bánh tét Trà Cuôn là: Tăng cường trang bị các kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh; quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn làng nghề; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước gầy dựng và khẳng định thương hiệu.
trần nhã