Bàn về giải pháp chống xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn TP.HCM
Xe "dù" hoạt động công khai
Là vấn nạn tồn tại từ lâu trên địa bàn TP.HCM, hoạt động của xe “dù”, bến “cóc” ngày càng công khai và phát triển mạnh gây khó khăn trong việc quản lý của cơ quan chức năng. Có tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải đã bỏ bến ra ngoài hoạt động để không phải đóng thuế, chịu phí.
Ông Thượng Thanh Hải – Phó giám đốc Bến xe Miền Đông dẫn chứng, vài năm gần đây, lượng xe qua bến đã giảm từ 30-40% (có tuyến giảm tới 50%), các doanh nghiệp có xe đi từ bến về các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ngày càng thưa vắng.
Các hãng xe đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hoạt động ở Bến xe Miền Đông ngày càng giảm. (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Với tuyến về các tỉnh miền Tây và miền Đông, nhiều hãng xe lại có các điểm đón trả khách trên các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP.HCM như Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình (quận 1), Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Hữu Chí (quận 5), khu vực gần Chợ Thiếc (quận 11)… thay vì đăng ký hoạt động tại Bến xe Miền Tây.
Mỗi ngày, xe các hãng dán mác xe hợp đồng, du lịch lữ hành “Open Tour” tấp nập đón rước khách ở những điểm trên. Một số hãng xe vận tải hành khách từ TP.HCM đi Campuchia hoạt động khá nhộn nhịp ở các tuyến đường như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1).
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP.HCM có hơn 2.000 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, gần 13.000 xe vận tải theo hình thức hợp đồng và du lịch. Dù đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý, thế nhưng với lượng xe khá lớn, cộng với cách thức hoạt động của nhiều hãng xe ngày càng trở nên biến tướng gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Nhiều ý kiến, giải pháp
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, ông Lê Trung Tính cho hay, hiện đã có quy định không cấp phép cho các xe hoạt động tuyến cố định chạy vào nội thành nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa xử lý triệt để.
“Rất dễ phát hiện xe “dù” núp bóng xe du lịch, xe hợp đồng. Ví như xe “Open Tour” thì không có “biển hiệu du lịch”, tiếp viên không có chứng nhận tập huấn do ngành du lịch cấp. Còn xe hợp đồng sao lại được thường xuyên đón trả khách tại một điểm, danh sách hành khách được lập tại chỗ”, ông Tính nói.
Nhiều ý kiến, kiến của các đại biểu đưa ra về giải pháp dẹp nạn xe "dù", bến "cóc". (Ảnh: Phương Nguyễn) |
Về nguyên nhân xe “dù”, bến “cóc” ngày một hoạt động mạnh, ông Lê Hồng Việt – Phó Chánh Thanh tra Giao thông, Sở GTVT TP.HCM cho rằng vì lý do hành khách chuộng thương hiệu nhà xe, tâm lý thuận tiện, nhanh chóng và hơn hết là giá cả cạnh tranh. Thực tế cho thấy xe “dù” không đơn thuần là xe hoạt động không có đăng ký, giấy phép kinh doanh mà các xe này còn “đội lốt” xe du lịch lữ hành (Open Tour), xe hợp đồng, liên vận quốc tế hay cả Taxi Uber. Các hãng này tận dụng các bãi đất trống, trạm xăng dầu hay bãi giữ xe làm nơi đón trả khách.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, không riêng TP.HCM, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” là vấn nạn gây nhức nhối ở các đô thị lớn trên cả nước. Tình trạng kinh doanh vận tải hành khách trái phép này ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, cho hành khách và thất thoát tiền thuế của Nhà nước.
Theo ông Khuất Việt Hùng, để có thể giải quyết triệt để nạn xe “dù”, bến “cóc” trong thời gian tới phải hoàn thiện quy hoạch bến xe. Xác định, công bố và tổ chức các điểm đón trả khách cho các xe chạy tuyến cố định ở những đô thị lớn. Làm tốt hai vấn đề này thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Ban An toàn Giao thông quốc gia cũng đã chỉ đạo Tổng Cục đường bộ cần phải có chuyên đề giám sát hoạt động của xe hợp đồng thông qua thiệt bị giám sát hành trình. Trên cơ sở dữ liệu đó cơ quan quản lý dễ dàng tranh tra, kiểm tra đối với những xe hợp đồng núp bóng xe chạy tuyến cố định.