Bán trời
Khi quy hoạch khu đô thị Linh Đàm cuối thế kỷ trước, hẳn các kiến trúc sư chẳng thể nào tưởng tượng nổi ở khu lõi của bán đảo này sẽ có hẳn một phường mới, với hàng nghìn căn hộ chất ngất được đặt vào giữa khu đô thị.
Khu đất ngay trong lõi khu đô thị vốn được quy hoạch là đất công cộng, phục vụ cho mục đích thương mại dịch vụ, thoắt cái được "điều chỉnh quy hoạch cục bộ", trở thành các khối nhà "hỗn hợp", gồm cả nhà ở và dịch vụ, nhưng phần để ở mới là phần chính, chủ đầu tư lại còn chia nhỏ căn hộ để dễ bán, và kết quả là số dân tương đương với một phường mới được chĩnh chện đặt vào giữa khu đô thị.
Phường mới ấy sẽ cần nhiều thứ, ít ra ngoài điện, thì cũng còn cần đường đi, cần trường học, cần trạm y tế, là những thứ tối thiểu mà một khu dân cư lớn như vậy phải có, nhưng đòi hỏi như vậy hẳn là khó, bởi đấy là khu đất sót lại cuối cùng của khu đô thị. Đương nhiên, áp lực của giao thông, của dịch vụ công cộng phục vụ khối dân cư mới ấy sẽ đè nặng lên phần hạ tầng còn lại của khu đô thị này, và không ai có thể tưởng tượng được giao thông của khu đô thị này sẽ được tổ chức thế nào khi khu dân cư mới này đi vào hoạt động.
Khi một người bạn tôi định mua một căn hộ ở một khu đô thị, anh ấy tính một phép tính đơn giản, là khu ấy có khoảng 4.500 căn hộ, ví dụ mỗi căn hộ có 1 chiếc ô tô, và mỗi chiếc xe như vậy dài trung bình khoảng 3m, khoảng cách giữa hai xe khoảng 2 mét, thì mỗi sáng, dòng xe để đi vào khu đô thị này sẽ dài hơn 22km, và anh ấy không nghĩ ra được liệu mình sẽ có thể đi ra khỏi đó bằng cách nào, chưa kể đến việc phải chen chúc với khách thương mại ra vào khu đô thị, nên dù nhìn thấy tiện nghi sang trọng và có vẻ sạch sẽ bóng loáng, anh ấy phải "nhịn".
Mà anh ấy có lí, vì tới đây sẽ còn có thêm những toà nhà cao tầng nữa chất đầy ở các khu đất bên cạnh, con đường vốn rộng rãi ấy chắc chắn chắn sẽ phải "đạp lên đầu nhau mà đi".
Đường Nguyễn Xiển bị ùn tắc kéo dài từ ngã tư Nguyễn Xiển về tới Linh Đàm hôm 4/9. (Ảnh minh họa cho bài viết) |
Toà nhà Discovery Complex II ở 8b Lê Trực đang được nhắc đến rất nhiều mấy ngày nay cũng là một trường hợp "điều chỉnh quy hoạch cục bộ" đáng được nhắc đến khác. Theo báo Tiền Phong, trong quy hoạch chi tiết trục Cầu Giấy- Kim Mã- Hùng Vương được phê duyệt năm 1998 thì khu đất có ký hiệu L30 này có chức năng là nhà ở, mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 2 lần và độ cao được duyệt tại bản quy hoạch này là 5 tầng. Thực tế thì quy hoạch đã được điều chỉnh từ 5 lên 17 tầng, mật độ xây dựng cũng đã tăng từ 40% lên 64%.
Nhìn quanh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác, đã có không ít những bản quy hoạch được điều chỉnh như vậy, giúp cho các toà nhà cao lên, và là tiền đề cho những bản "văn tự bán trời" làm nhà ở.
Hẳn là những yếu tố khác về hạ tầng đô thị và tổ chức cuộc sống cư dân đã không được tính đến trong những bản phê duyệt quy hoạch ấy, và không ai khác trong trường hợp này chính là chính quyền đã trở thành người tạo ra sức nặng và quá tải cho đô thị mà mình quản lý.
Có lẽ bức tranh đã rõ, không cần phải suy thêm hay nghĩ khác đi nữa..../.