Bản quyền kênh truyền hình trả tiền: Cần một thủ lĩnh đàm phán
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Úy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền tại Hội thảo Quản lý Nhà nước về truyền hình trả tiền do Bộ TT&TT tổ chức, vừa diễn ra ở TP.HCM.
Trung tâm bản quyền truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ làm thủ lĩnh đàm phán mua bán bản quyền truyền hình trả tiền - Ảnh Internet |
Ông Úy cho biết, đối với các kênh truyền hình nước ngoài, phải tránh tình trạng khó khăn trong việc đàm phán bản quyền do độc quyền, tránh bị ép giá dẫn đến “chảy máu” ngoại tệ, gây lãng phí tiền của các doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung.
Theo đó, với vai trò phối hợp giữa các hội viên trong việc phân chia bản quyền truyền hình kênh trong nước và kênh nước ngoài, Hiệp hội kiến nghị thành lập Trung tâm bản quyền truyền hình trả tiền Việt Nam để làm đầu mối dàn xếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền để có phương án thống nhất mua hay không mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài và thực hiện việc đàm phán mua bán bản quyền với đơn vị nước ngoài.
Chẳng hạn, về giá bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh 2015 – 1016. Nếu các đối tác bán giá bản quyền cao, không hợp lệ, các đài sẽ thống nhất không mua.
“Hiện nay, bản quyền bóng đá ở trong nước đã có đến 4 giải phát sóng hầu hết trên toàn lãnh thổ Việt Nam là: Bundesliga, Ligue 1, Seria A và La Liga. Với giải ngoại hạng Anh, nếu như ép giá, chúng ta cũng không nhất thiết phải mua. Và quyết định này dựa trên sự đồng thuận của tất cả các đơn vị trong nước”, ông Úy lấy ví dụ.
Tuy nhiên, ông Úy cho biết, bộ hồ sơ thành lập trung tâm của Hiệp hội đã gửi đến các bộ ngành chức năng có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép thành lập, nên chưa có đủ tư cách pháp nhân để đại diện các đơn vị trong việc đàm phán mua bản quyền các chương trình nước ngoài.
Theo ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Cáp TP.HCM (HTVC), giá bản quyền các chương trình truyền hình trả tiền nước ngoài tăng cao là do chính các đài truyền hình trong nước.
“Từ đâu mà bản quyền bóng đá tăng cao đến như vậy, chắc chắn là từ chính các đài truyền hình, cụ thể là từ VTV. Chính bản quyền từ VTV, VTC nâng giá cao dẫn đến cạnh tranh giá bản quyền bóng đá và kể cả bản quyền phim đều bán giá cao. Các đối tác bản quyền phim nước ngoài nói với tôi rằng, không hiểu Việt Nam có nhu cầu như thế nào mà đẩy giá bản quyền từ 500 USD lên hiện tại 3.000 - 4.000 USD/phim. Trong khi đó, bản quyền của bóng đá cũng vậy, từ lúc chúng tôi mua chỉ có 50.000 – 100.000 USD, bây giờ đã lên hàng triệu, lỗi tại đài truyền hình”, ông Hùng nói.