Bán Iphone sụt giảm, 'đại gia' bán lẻ gặp khó
Doanh thu giảm
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý IV/2022 đạt 619 tỷ đồng, giảm 60% so với quý IV/2021 (1.563 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022 đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2021 (4.901 tỷ đồng).
Với kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, kết thúc năm 2022, MWG mới hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý IV/2022 đạt 8.457 tỷ đồng. Việc các chi phí tăng đột biến khiến FRT chỉ lãi sau thuế 96,6 tỷ đồng, giảm 71,2% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của FRT, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo riêng quý IV/2022 đạt 90 tỷ đồng, giảm 76% tương đương với giảm 253 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do quý IV/2021 nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử như laptop, iPhone Apple tăng cao.
Trong khi đó, quý IV/2022, bị ảnh hưởng bởi đứt gãy nguồn cung do các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa chống dịch, hàng hoá giảm do bị ảnh hưởng bởi các yếu tỗ vĩ mô không thuận lợi như lãi suất tăng, lạm phát tăng. Doanh thu trong quý IV/2022 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, giảm 22,5% tương đương với 1.588 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng mạnh, chi phí tài chính công ty tăng 64% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 23 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, doanh thu tăng 34%, lên hơn 30.100 tỷ đồng và vượt 12% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lãi trước thuế chỉ gần 486 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước và thực hiện được 67% mục tiêu kế hoạch năm 2022.
Báo cáo kết quả kinh doanh của CTCP Thế giới số - Digiwordl (DGW) cho thấy, doanh thu giảm sút trong quý IV/2022. Doanh thu thuần của DGW đạt 4.075 tỷ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 469,8 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của DGW đạt 22.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 684 tỷ đồng, đều tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, so với kế hoạch của năm 2022, doanh thu và lợi nhuận đều mới đạt trên 80%.
Nhiều khó khăn
Trong 9 tháng năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của năm 2021. Lợi nhuận cốt lõi của MWG, FRT, DGW tăng lần lượt 28%, 169%, 60% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bước sang quý IV, doanh thu bán lẻ giảm sút mạnh.
Theo giải trình của MWG, diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tác động tiêu cực tới sản xuất, việc làm, thu nhập và tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam, đặc biệt là trong quý IV/2022. Điều này dẫn đến sức mua yếu đối với các sản phẩm điện thoại, điện máy trong mùa cao điểm trước Tết cũng như xu hướng tiêu dùng tiết kiệm ngay cả đối với thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận trong quý cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể khi so sánh với cơ sở rất cao trong quý IV/2021, khi nhu cầu mua sắm tặng do bị dồn nén sau Covid.
Theo DGW, trong quý IV, sản phẩm iPhone 14 được kỳ vọng đóng góp lớn vào doanh thu mảng điện thoại di động, nhưng thiếu nguồn cung, gây ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của công ty. Mảng này giảm 50% về doanh thu so với cùng kỳ. Chịu tác động nhẹ hơn là mảng thiết bị văn phòng với mức giảm 15%.
Theo Chứng khoán SSI, bán lẻ gặp nhiều thách thức trong năm nay. Tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, lạm phát gia tăng làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng.
SSI cho rằng, các nhà bán lẻ có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu, điều này giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Tăng vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao.
Duy Anh