Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Không nên tồn tại 2 luật!
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Không nên tồn tại 2 luật!
>> Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải hỏi ý kiến nhân dân
Như tin đã đưa, ngày 13/3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 7 năm thi hành "Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2004" (BHVBQPPL 2004). Tại đây đã có thêm nhiều ý kiến đề nghị sớm xem xét, bổ sung luật này do qua thực tiễn triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập.
Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2004 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức - Ảnh: HC |
Luật Trung ương - Luật địa phương?
Nhiều tham luận tại hội nghị cho biết, hiện ở nước ta pháp luật về BHVBQPPL đang phân thành 2 cấp. Theo đó, việc BHVBQPPL thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương thì chịu sự điều chỉnh của Luật BHVBQPPL 2008, còn việc BHVBQPPL thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương lại chịu sự điều chỉnh của Luật BHVBQPPL 2004.
Về cơ bản, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của 2 luật này gần giống nhau: Trong đó đều quy định về trình tự thủ tục xây dựng và BHVBQPPL, từ giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến tham gia, thẩm định và ban hành đến các giai đoạn sau khi ban hành như kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản.
"Trên thực tế, việc tồn tại 2 luật song song cùng điều chỉnh một hoạt động xây dựng và BHVBQPPL đã dẫn đến những hạn chế, bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực thực tế trong quá trình áp dụng. Do vậy đã có nhiều ý kiến đề nghị cần xây dựng Luật BHVBQPPL chung cho cả cấp trung ương và chính quyền địa phương" - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho hay.
Theo đó, các ý kiến đề nghị việc xây dựng và BHVBQPPL của địa phương cần được hình thành một chương riêng, phân định rõ những đặc thù của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn để đảm bảo việc thi hành VBQPPL phù hợp với cơ chế quản lý đặc thù của từng địa phương.
Cồng kềnh, nhiều tầng nấc và khó kiểm soát
Bên cạnh đó, Luật BHVBQPPL 2004 quy định cả 3 cấp (tỉnh, thành phố; quận, huyện; xã, phường) đều có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung như nhau nhưng chỉ khác ở cấp độ. Điều đó dẫn đến hệ thống văn bản ở địa phương trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc và rất khó kiểm soát. Còn thẩm quyền BHVBQPPL thì bị xé nhỏ theo phạm vi quản lý đã dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác ban hành văn bản, gây tốn kém, lãng phí nguồn tài chính và nhân lực cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản ở địa phương.
"Một khi VBQPPL của HĐND chỉ mang tính hình thức, nhiều khi chỉ là khâu trung gian, thủ tục để chuyển chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ địa phương thành VBQPPL của UBND, thì việc nâng cao chất lượng VBQPPL của HĐND cũng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề" - ông Tạ Tự Bình, Phó ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng nói.
Do vậy, tại hội nghị ngày 13/3, đã có nhiều kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Luật BHVBQPPL 2004 chỉ cho phép cơ quan chính quyền cấp tỉnh trở lên mới có thẩm quyền BHVBQPPL, còn cơ quan chính quyền cấp huyện, xã chỉ có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính để tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển KT - XH tại địa phương và quản lý các lĩnh vực hoạt động của địa phương.
Nhiều tiêu chí còn mơ hồ
Riêng đối với Luật BHVBQPPL 2004 hiện hành, nhiều đại biểu cho biết có nhiều tiêu chí cần được làm rõ để đảm bảo tính chính xác trong quá trình thực thi. Cụ thể, Điều 1 Luật BHVBQPPL 2004 và Nghị định 91/2006/NĐ-CP quy định các yếu tố của một VBQPPL của HĐND, UBND. Trong đó có yếu tố: "Có chứa quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật), được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng...".
Qua đúc kết ý kiến của nhiều đại biểu, ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng cần quy định rõ tiêu chí "có chứa quy tắc xử sự chung": "Vì hiện nay chúng ta thường bị đánh đồng giữa pháp luật với chủ trương, chính sách. Về nguyên tắc, chủ trương, chính sách rất quan trọng nhưng không làm thay đổi được hành vi như quy phạm pháp luật. Chính các quy phạm pháp luật cụ thể mới điều chỉnh hành vi xử sự của con người. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể nhằm nhận diện được sự khác biệt giữa chủ trương, chính sách với pháp luật quy định về hành vi (quy tắc xử sự cụ thể) thì mới có thể phân biệt được văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý điều hành".
HẢI CHÂU