Bài toán lớp 3 'hại não' với 2 đáp án khiến dân mạng tranh cãi
![]() |
Phép tính có vẻ như đơn giản nhưng lại khiến hàng trăm nghìn ý kiến tranh luận. Tỷ lệ trên diễn đàn linkhay.com cho thấy, có khoảng 40% cho rằng kết quả của phép tính là 1 và 60% còn lại lựa chọn đáp án là 9.
Trên diễn đàn của giáo viên tiểu học, một giáo viên chia sẻ: “Quy tắc toán học là: trong ngoặc trước, nhân chia ưu tiên như nhau và thực hiện trước cộng và trừ. Nếu có hai phép tính có thứ tự ưu tiên như nhau (nhân ưu tiên ngang với chia, cộng ưu tiên ngang với trừ) thì các phép tính sẽ được ưu tiên từ trái qua phải. Vì vậy, bài này chỉ có một cách giải là sẽ tính trong ngoặc trước ta sẽ có 6÷ 2x3, tính tiếp từ trái qua phải sẽ được 3x3 và kết quả bằng 9".
Một bạn đọc cho rằng kết quả là 1 và giải thích: “Đúng là đầu tiên phải tính trong ngoặc trước, nhưng phải tính tiếp cho phép tính trong ngoặc tức là 2x3=6. Rồi 6/6=1. Mình làm toán vẫn làm thế hoài mà. Đó là tư duy được dạy trong trường từ lâu rồi.”
Được biết bài toán này do một tài khoản YouTube nổi tiếng có tên là MindYourDecisions đăng ngày 31/8/2016, nhưng đến nay vẫn nhiều ý kiến khác nhau về đáp án. Hầu hết lời giải của phép tính này được chia thành 2 ý kiến.
Thứ nhất, theo quy tắc tính toán mà bạn được dạy ở trường, các thầy cô sẽ hướng dẫn bạn rằng, trong 1 biểu thức dài, thứ tự thực hiện phép tính sẽ là thực hiện phép tính trong ngoặc, sau đó thực hiện phép tính với các số bên cạnh dấu ngoặc rồi sau đó mới thực hiện phép tính từ trái sang phải, nhân/chia rồi đến cộng/trừ.
Như vậy, đối với phép tính trên, kết quả sẽ là:
6 ÷ 2 (1 + 2) = 6 ÷ 2 (3) = 6 ÷ 6 = 1.
Tuy nhiên, theo quy tắc PEMDAS (Parenthesis, Exponent, Multiplication, Division, Addition, Subtraction) - quy tắc được thống nhất trên toàn thế giới về thứ tự ưu tiên các toán tử, trong biểu thức có nhiều hơn một toán tử, thứ tự thực hiện các phép tính sẽ là phép tính trong ngoặc, đơn giản hóa số mũ rồi thực hiện phép tính từ trái sang phải, nhân/chia rồi đến cộng/trừ.
Như vậy, ta có phép tính như sau:
6 ÷ 2 (1 + 2) = 6 ÷ 2 (3) = 3 (3) = 9.
Đáp án cuối cùng là 9.