Bài học xương máu khi bỏ phố về rừng 'đời không như là mơ'!
Từng ôm mộng tạo dựng một cuộc sống như mơ nơi núi rừng Hòa Bình, song chị Vũ Thị Thu Hà nhanh chóng nhận ra 'đời không như là mơ'...
Nhiều người trẻ đang có xu hướng bỏ phố về quê hoặc bỏ phố về rừng để được an nhàn, hoặc chí ít là được tránh xa cuộc sống xô bồ nơi phố thị. Là người từng “bỏ phố về rừng”, chị Vũ Thị Thu Hà bày tỏ sự ủng hộ các bạn trẻ về quê xây dựng kinh tế quê hương theo lối sống tối giản và thuận tự nhiên, cấy lúa sạch, trồng rau sạch, nuôi gà, cá, lợn vi sinh thảo dược, xử lý rác tại chỗ bằng vi sinh, sau đó bán hàng cho người dân thành thị,…
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình, chị Hà cho rằng để làm được những điều trên cần phải có vốn kinh nghiệm và vốn tài chính. Kinh nghiệm làm nông nghiệp, kinh nghiệm bán hàng, mối quan hệ đủ rộng để ở đâu cũng bán được hàng,…
Chị Vũ Thị Thu Hà tại trang trại đầu tiên của mình ở Lương Sơn, Hòa Bình. |
Năm 2017, Vũ Thị Thu Hà đầu tư theo phong trào bằng việc mua đất làm trang trại tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dù đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và tiền bạc, nhưng chị Hà đã không thể chờ đợi đến ngày hái quả ngọt và đành nhượng lại trang trại cùng những dự án còn đang dang dở.
Chị Hà chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” khi "bỏ phố về rừng": “Các bạn phải có đủ tài chính sống tối thiểu 2 năm đầu để không bị động. Nếu không, phải học cách nhịn ăn, thanh lọc sâu thân tâm trước khi bỏ phố về rừng. Vì khi ấy các bạn thực sự thay đổi cả thân và tâm. Muốn quay về với thiên nhiên trong lành để trồng trọt, chăn nuôi hàng ngày các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, có vất vả một chút các bạn sẽ thấy đó là cơ hội thanh lọc, thải độc tố trong người mình. Các bạn sẽ thấy niềm vui mỗi ngày khi sống trong môi trường thuận tự nhiên như bạn mơ ước. Bạn sẽ cảm thấy mình thực sự đang sống với nhịp sống chậm rãi, an yên và tối giản.
Nếu không thanh lọc, chưa thực sự mong muốn trở về với thiên nhiên, bạn sẽ bị chán nản vì buồn tẻ, vì thay đổi môi trường sống đột ngột, vì nhu cầu vật chất vẫn còn cao... Thậm chí còn dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn, cãi nhau, ly dị cũng là chuyện thường,....”.
Chị Hà chia sẻ, ngoài đam mê, muốn "bỏ phố về rừng" cần phải có vốn kinh nghiệm và tiền bạc. |
Sau 2 năm đổ mồ hôi công sức vào trồng cây ăn trái và cây đàn hương, nuôi các loại con vật, từ giun quế, gà, cá, dê,… thuê người bản địa trồng và trông coi một khu vườn đồi ở Long Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình. Cái kết chị Hà nhận được là: “Nuôi con gì mất sạch con đó, có quả gì mất quả đó, rau già, cá mất, gà và dê đều lần lượt lăn ra chết,…”.
Dù nuôi hàng trăm con dê nhưng chủ trang trại gần như không thu được gì. |
Niềm hy vọng duy nhất là loạt cây ăn trái và cây đàn hương đang phát triển, nhưng do đã quá mệt mỏi với việc không thể lấy ngắn nuôi dài, chị quyết định bỏ vườn đi buôn đất ven biển ở Phú Yên.
“Hồi đó mình nghèo, có bao nhiêu vốn liếng đổ tất vào đó. Sau đó thì kiệt quệ cả sức lẫn tiền”, chị Hà nhớ lại.
Sau một thời gian chuyển hướng đầu tư vào Phú Yên, khi đã rủng rỉnh tiền bạc, chị Vũ Thị Thu Hà lại quyết định làm vườn bằng cách cải tạo cả một quả đồi trọc thành vườn rừng. Khu vườn rừng này được phủ xanh bằng hàng ngàn gốc hoa hồng, cây gỗ quý, cây ăn trái các loại,....
Do xác định làm du lịch bền vững với loạt farmstay nên chị không xây dựng chuồng trại, chăn nuôi. Khu vườn rừng này được chị Hà mua năm 2019 với giá 3 tỷ đồng, cộng thêm gần 1 tỷ đồng đầu tư thêm, đến nay đã cho thu hoạch rau, củ, quả các loại.
“Giờ giá đất đã tăng lên gấp đôi nhưng tôi không bán, vì sau này khai thác du lịch chắc sẽ còn tăng thêm. Hơn nữa mình lại chưa có nhu cầu về tiền lúc này nên cứ giữ lại đó”, chị Hà chia sẻ.
Sau 2 lần “bỏ phố về rừng”, chị Hà đưa ra kết luận: “Nếu các bạn bỏ phố về rừng, bạn có 100 đồng vốn thì chỉ bỏ ra 50 đồng mua đất, 10 đồng mua cây giống, 10 đồng mua con giống, 10-15 đồng xây dựng chuồng trại, còn lại phải giữ tối thiểu 15 đồng vốn lưu động để bù thiếu hụt các khoản đầu tư và dự phòng tài chính. Nếu bạn nhanh nhạy, chọn được đúng mảnh đất vị trí đẹp, gây dựng thành trang trại bán lại cũng lời, rồi lại đi xây dựng trang trại khác xong rồi bán khi có lời... Nếu không thì bạn cứ trồng vườn rừng, kiểu gì bạn cũng lãi sau mỗi năm khi cây lớn lên”.
Chị Vũ Thị Thu Hà trên hành trình "1 tỷ cây xanh". |
Khởi đầu từ việc phối hợp cùng Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (quê hương của chị) trồng cây tại 66 trường trong toàn huyện. Đầu năm 2021 chị Hà trao tặng 20.400 cây giống gỗ quý cho tỉnh Quảng Trị, số cây này được trồng trong các trường học, trại giam, nghĩa trang Trường Sơn, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia...
Kế hoạch năm 2021 của chương trình “1 tỷ cây xanh” sẽ tặng hàng trăm nghìn cây giống gỗ quý thuộc nhóm 1 (lim xanh, giáng hương, gụ, trắc, dầu rái, sao đen) cho các đồn biên phòng dọc dọc các tuyến biên giới.
“Đây là hành trình thay đổi nhận thức để hành động vì sự sống trên trái đất chứ không chỉ là đếm số cây trồng được. Mỗi chuyến đi, tôi chia sẻ phương pháp canh tác nông lâm kết hợp, tạo sinh kế cho bà con và chuyển đổi trồng đa canh, chứ không phải chỉ trồng theo phong trào”, Chị Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.
Tuân Nguyễn
'Bỏ phố về quê' làm nhà vườn, chưa kịp hưởng lại rao bán gấp, cho mượn miễn phí
Nhiều người bỏ tiền mua đất để làm nhà vườn, trang trại thỏa đam mê ‘bỏ phố về quê’ nay lại đang phải tìm cách bán các lô đất này khi nhu cầu sử dụng thấp, một mình không kham nổi hay không có người trông nom…