Bãi biển ngập ngụa rác: “Đừng chăm chăm tìm nguyên nhân rồi... để đó”
Chia sẻ với PV Infonet về những hình ảnh phản cảm, rác ngập ngụa bãi biển, Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà (BTV Đài tiếng nói Việt Nam) nói: “Thực sự tôi thấy rất buồn và buồn đến lặng người dù đây là điệp khúc năm nào cũng diễn ra. Buồn vì chả nhẽ chúng ta cứ đi ngược chiều tiến hóa của văn minh. Năm sau rác nhiều hơn năm trước dù cho báo chí truyền thông năm nào cũng tốn biết bao giấy mực đề cập”.
Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn thể hiện quan điểm của một nhà báo chuyên viết về Văn hóa xung quanh vấn đề này.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà (BTV Đài Tiếng nói Việt Nam). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thưa chị, tình trạng một số bãi biển ở miền Bắc như Quất Lâm, Cồn Vành, Đồ Sơn ngập ngụa trong rác mấy ngày nghỉ vừa qua có thể đổ lỗi cho ý thức và văn hóa của khách du lịch được chứ?
Thế theo bạn, ai là người xả rác ra các bãi biển?
Mà “đổ lỗi” xong rồi thì có hết được rác không? Tôi được biết các cơ quan và đơn vị quản lý môi trường địa phương đều có cuộc ra quân chỉnh trang cảnh quan sạch sẽ đón trước đợt cao điểm du lịch.
Tuy nhiên, người đông như thế, rác vứt liên tục và nhiều như thế thì họ cũng không dọn xuể. Phải thừa nhận là nhiều chỗ thùng rác không có hoặc không được đặt ở nơi thuận tiện cho du khách. Một số ý kiến cho rằng một phần lỗi do… thiếu biển báo cấm vứt rác.
Việt Nam mình cứ chỗ nào có biển cấm này lại là chỗ nhiều rác nhất, cứ có biển cẩm là mang rác ra đó vứt. Những người đó không phải là không biết rằng việc xả rác là không nên, là đáng xấu hổ nhưng với tâm lý ai cũng làm thế nên họ cũng vô tư làm thế. Bạn có tin là vẫn những con người ấy nếu họ qua nước ngoài, gần như Singapore thì sẽ không dám vứt một cọng rác?
Theo tôi, chúng ta đã tuyên truyền nhiều, bây giờ phải có những biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng này thay vì “đổ lỗi” và chăm chăm chỉ tìm nguyên nhân rồi... để đó.
Vậy cơ quan quản lý, đơn vị lo môi trường ở đấy thì sao?
Họ có phải chịu trách nhiệm gì không? Các cơ quan quản lý địa phương đã lường trước được thói quen xả rác của du khách mà không chịu update một phương thức xử lý khác đi, một kịch bản xử lý “khủng hoảng rác” khác đi. Đó chính là lỗi của cơ quan quản lý ở địa phương vì đã cứng nhắc rập khuôn theo qui trình mọi năm và như thế là chưa hết trách nhiệm.
Hãy qui định chặt chẽ việc gìn giữ môi trường như tăng cường mật độ đặt thùng rác, tăng cường nhân sự thu gom rác kịp thời, ra qui định và biển báo phạt nặng khi vứt rác không đúng chỗ qui định, tăng cường nhân sự cho việc phát hiện cá nhân nào xả rác bừa bãi. Hình phạt có thể là lao động công ích đi… dọn rác trong vài giờ đồng hồ.
Tôi tin là địa phương nào đi đầu trong việc này sẽ đón được nhiều khách du lịch hơn trong tương lai. Không ai muốn bỏ thời gian đến những điểm du lịch ngập rác như những hình ảnh chúng ta vừa thấy mấy ngày qua.
Tương phản hình ảnh ngập ngụa rác ấy, truyền thông còn tìm thấy những người nước ngoài lặng lẽ nhặt rác bãi biển Việt Nam, quan chức về hưu tình nguyện nhặt rác ở biển. Chị có bình luận gì?
Bạn có biết ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) có tour du lịch nhặt rác? Đó là tour du lịch mỗi tuần một lần dành cho khách nước ngoài. Những vị khách phương Tây bỏ ra hàng ngàn đô la để đến Việt Nam nhặt rác trong một tour du lịch mới lạ. Cho đến khi xem hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của cô bé người Úc chăm chỉ nhặt rác và hồn nhiên phát biểu trên truyền hình Việt Nam rằng: “Nó rất là tốt cho môi trường, như thế này thì nhìn đẹp hơn nhiều so với việc nhìn thấy rác ở khắp mọi nơi”. Thì ra họ không phải là những kẻ thừa tiền và ham của lạ. Việc thu dọn rác này được họ coi như một hành động thiết thực, làm sạch môi trường bằng những công việc nhỏ nhất để trả ơn thiên nhiên.
Câu nói vô tư của một cô bé và những người xa lạ đến từ hàng ngàn cây số được truyền hình đến gần 90 triệu người dân Việt Nam khiến tôi bừng tỉnh và thấy... cay cay và xấu hổ. Và khi xem clip người nước ngoài lặng lẽ len qua những người tắm biển nhặt rác trên mạng xã hội tôi lại gặp lại cảm giác xấu hổ đó.
Tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ có cảm giác như tôi. Khi biết xấu hổ là còn biết hướng thiện. Những hành động lặng lẽ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng chưa đủ. Tôi vẫn cho rằng cần có chế tài mạnh tay để xử lý cuộc “khủng hoảng rác” này.
Là người viết nhiều về văn hóa, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị đẹp, theo chị cần phải khơi gợi thế nào để những nét đẹp trong văn hóa được gắn với ý thức bảo vệ môi trường?
Biết bao áng văn áng thơ và bài báo ca ngợi văn hóaViệt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và con người việt Nam với những phẩm chất sáng ngời và những giá trị đẹp… Vậy mà rác năm sau sao lại cứ nhiều hơn năm trước? Con người cư xử với nhau cứ kém nhân văn đi…
Chúng ta tiện đâu vứt rác đấy nhưng kết cục lại càng phải sống chung với rác, với sự ô nhiễm môi trường đang ngày càng gay gắt. Tôi cho rằng nên nhìn thẳng nói thật, đau đấy, khó nghe đấy nhưng phải sửa bằng được chứ không nên dùng những mỹ từ khen ngợi như kiểu tuyên truyền cũ. Tôi thích cụm từ “Tư duy rác” mà ai đó đã nói.
Chúng ta phải thẳng thắn cùng nhau đoạn tuyệt với cái gọi là “tư duy rác” ở trong đầu mỗi người. Đoạn tuyệt “tư duy rác” ở đây có thể là hành động nhỏ như không vứt rác ra nơi công cộng, hay to như là từ bỏ “tư duy nhiệm kỳ” - không để lại hậu quả cho người đến sau phải xử lý, cũng có thể là không trà trộn thuốc cấm vào thức ăn/cây trồng/vật nuôi, là kiên quyết nói không với việc nhập linh kiện, dây chuyền công nghệ cũ (rác công nghệ) về Việt Nam và là nhất định nói không với việc xả thải gây ô nhiễm môi trường…/.
Xin cảm ơn chị!