Bắc Giang lên phương án tiêu thụ vải thiều trong đại dịch
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vẫn hết sức phức tạp tại tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh này đã lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình mới.
Năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó: Diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5/2021 đến 20/7/2021 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều. Để tiêu thụ vải thiểu năm 2021 đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Các vùng vải tập trung tại hai huyện Tân Yên, Lục Ngạn khẳng định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh, không bị nhiễm Covid-19, được người tiêu dùng trong và ngoài nước yên tâm sử dụng.
Tỉnh Bắc Giang đã làm việc với các đối tác và đã chuẩn bị sẵn 3 kịch bản tiêu thụ vải. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn.
Với thị trường xuất khẩu, dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu sau: Trung Quốc, Nhật, Úc, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore…: 90.000 tấn.
UBND tỉnh cũng đặt ra kịch bản thứ hai, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Khi đó, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn. Dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu khoảng 50.000 tấn vào các thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Nhật, Úc, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore,….
Với kịch bản thứ ba, dịch Covid 19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Bắc Giang đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Khi đó, sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, tương đương khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn.
Kế hoạch cụ thể của từng thị trường trong kịch bản thứ ba, tại thị trường trong nước, kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối: Thủ Đức, Bình Điền(TP HCM); Dầu Giây (Đồng Nai); Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Long Biên (Hà Nội); Hòa Cường (Đà Nẵng);… dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn, và trở thành kênh tiêu thụ chính.
Các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega MarKet, Aoen, Lotte, Coo.mart, Co.opFood, Intimex, Fivimart và Citimart, Vincom … dự kiến tiêu thụ khoảng 25.000 tấn.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dự kiến tiêu thụ khoảng 30.000 tấn. Ngoài ra, các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ phục vụ cho tiêu thụ lưu động dự kiến tiêu thụ khoảng 15.000 tấn.
Sản lượng vải chế biến sấy và chế biến khác, dự kiến tiêu thụ khoảng 28.000 tấn. Hiện nay, số lượng lò sấy trên địa bàn các huyện khoảng 600 lò, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn, Lục Nam, công suất tối đa đạt khoảng 30.000 tấn.
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online dự kiến giúp bà con nông dân tiêu thụ khoảng 2.000 tấn.
Cũng với kịch bản dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện, UBND tỉnh Bắc Giang dự kiến chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn vải, thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Trung Quốc, Nhật, Úc, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore,…
Tuân Nguyễn