Bắc Giang: Đưa nông sản lên sàn, hợp tác xã cùng người dân 'thắng lớn' nhờ đắt hàng, đắt khách
Nhờ tổ chức, phối hợp đồng bộ, đến nay, nông sản của Bắc Giang tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng rất nhiều so với những năm trước. Tính đến nay, Bắc Giang đã có hơn 9.000 tấn nông sản Bắc Giang tiêu thụ qua sàn TMĐT.
Năm 2021, lần đầu tiên, người trồng vải Bắc Giang livestream hình ảnh vườn vải để bán. |
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.000 tấn nông sản tiêu thụ qua sàn TMĐT. Trong đó, riêng vải thiều hơn 7 nghìn tấn còn lại là sản phẩm OCOP của tỉnh như: Chè bản Ven, mỳ Chũ, rượu ngô, rượu thóc, nấm thảo dược, si rô húng chanh… Sản lượng này gấp hơn một nghìn lần so với năm trước.
Có được kết quả này là do Sở Công Thương đã triển khai thực hiện hỗ trợ đối với 15 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh là đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến như website, hệ thống email, Fanpage trên Facebook, landing page...
Đồng thời hỗ trợ một số doanh nghiệp, HTX xây dựng gian hàng và đưa sản phẩm, hàng hóa lên tiêu thụ trên các sàn TMĐT như: San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Alibaba.com…Các doanh nghiệp, chủ sở hữu nông sản cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT, từ đó nỗ lực trang bị kiến thức, kỹ năng trong thực hiện các giao dịch trên TMĐT. Thông qua các sàn này, nông sản của Bắc Giang đã từng bước vươn ra các nước trên thế giới.
Lần đầu tiên, xuất khẩu vải thiều theo hình thức TMĐT xuyên biên giới
Điển hình nhất là vụ vải thiều năm nay, sàn giao dịch TMĐT dacsanlucngan.vn của UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Công ty cổ phần Logistics những Ngôi sao liên kết (Starlinks) thiết kế, thực hiện đã kết nối, hỗ trợ nông dân, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đưa vải thiều lên sàn và tiêu thụ được 147 tấn cho khách hàng trong nước.
Mặc dù đây là năm đầu đưa vải thiều lên sàn TMĐT, tuy sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn nhưng hướng đi này đã mở ra cho nông dân, doanh nghiệp và các HTX cách làm mới phù hợp yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, đáp ứng xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nông dân, doanh nghiệp và HTX liên kết sản xuất, bảo quản, cung ứng nông sản bảo đảm theo chuỗi giá trị thông qua sàn TMĐT một cách nhịp nhàng, thuận tiện.
Không chỉ có sàn TMĐT trên, năm nay, vải thiều Bắc Giang còn được bán trực tuyến trên nền tảng online như facebook, zalo, youtube …, hạ tầng internet trên các sàn giao dịch TMĐT lớn trong nước và quốc tế như Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba… với sản lượng lớn nhất từ trước tới nay, đạt hơn 6.000 tấn.
Trong đó phải kể đến vụ 3 tấn vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên được giao tận tay người tiêu dùng tại châu Âu thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò.
Sự kiện này trở thành dấu mốc quan trọng trong việc đưa nông sản xuất khẩu thành công theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam.
Theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đây là lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu qua mô hình “TMĐT xuyên biên giới” trên nền tảng của chính Việt Nam, do người Việt Nam vận hành.
Như vậy, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con mở rộng thị trường tiêu thụ, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Thậm chí, nhiều người dân không chỉ biết làm ra nông sản theo quy trình sản xuất chất lượng cao mà còn được tập huấn sử dụng smartphone đưa thông tin lên sàn cũng như biết cách chốt đơn hàng rồi livestream bán hàng.
Đại diện Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (huyện Lục Ngạn) cho rằng, lợi ích lớn nhất khi nông sản được đưa lên sàn là nhà vườn tiếp cận được rất nhiều khách hàng để bán hàng trực tiếp, thay vì phải bán cho thương nhân như trước đây.
Để giúp bà con tiêu thụ vải thiều, HTX Sản xuất TM và DV nông nghiệp Phì Điền đã hợp tác với 3 sàn TMĐT như Sendo, shoppee, dacsanlucngan… Theo đó, các thành viên của HTX được hướng dẫn cách chụp ảnh, quay video và livestream để đăng bán sản phẩm.
Nhờ bán hàng online trên 3 sàn TMĐT, HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, mỗi sàn có lượng tiêu thụ từ 100-200 tấn. Đại diện HTX cho biết, từ ngày đưa vải lên sàn TMĐT đã hỗ trợ bà con tiêu thụ được nhiều vải hơn.
Nhờ “thắng” lớn từ vụ vải vừa qua, Bắc Giang xác định rõ việc tiêu thụ nông sản thông qua một phương thức mới không chỉ tạo thói quen bán hàng qua sàn TMĐT cho người dân, mà còn là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và sản phẩm.
Cam lòng vàng Lục Ngạn được giới thiệu trên sàn TMĐT Voso. |
Sau vụ vải, hàng chục tấn cam, bưởi cũng nối tiếp nhau lên sàn giao dịch
Thời điểm này tại các địa phương ở Bắc Giang đang tập trung thu hoạch cam, bưởi. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được gần 12 nghìn tấn cam, bưởi, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động, Tân Yên.
Năm nay tổng sản lượng cam, bưởi toàn tỉnh ước đạt khoảng 84,8 nghìn tấn, trong đó cam 48 nghìn tấn, bưởi 36,8 nghìn tấn. Lục Ngạn là địa phương có diện tích cam, bưởi lớn nhất tỉnh.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh năm 2021 với 15 điểm cầu trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, sẽ tập trung liên kết với các sàn TMĐT tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến trong vụ cam, bưởi này, tỉnh sẽ xúc tiến tiêu thụ hơn 85 tấn cam, bưởi qua các sàn TMĐT.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn đã tiêu thụ lượng lớn cam, bưởi với giá bán cao, ổn định. Cụ thể, sàn Voso.vn tiêu thụ được hơn 1,2 tấn; sàn Postmart.vn hơn 1,5 tấn.
Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, các sàn TMĐT chủ động phối hợp cùng chủ vườn, HTX, tổ hợp tác thống nhất số lượng, quy cách và thời gian đóng gói. Sau đó, các đơn vị đến tận vườn vận chuyển bằng xe chuyên dụng đi phục vụ khách hàng.
Ngay sau khi vụ cam, bưởi kết thúc, Bắc Giang sẽ tích cực đưa các loại hàng hóa đặc trưng, chủ lực của tỉnh lên giao dịch bằng hình thức này.
Năm nay, dự kiến tổng sản lượng cam, bưởi của Lục Ngạn đạt hơn 60 nghìn tấn, tương đương năm ngoái. Ngoài hợp đồng tiêu thụ, các HTX cùng nhiều nhà vườn ở huyện Lục Ngạn còn được hỗ trợ in bao bì sản phẩm, máy sấy hoa quả, kho lạnh, tập huấn kỹ năng bán hàng qua sàn TMĐT.
Hiện huyện phối hợp với Sở Công Thương tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu, bán cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng trên nhiều trang thông tin điện tử của tỉnh và các sàn TMĐT như: Sendo, Voso, Shopee, Postmart... Đến nay, sản lượng cam, bưởi thực hiện giao dịch qua các sàn TMĐT đạt hơn 87,3 tấn.
Về phía Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, thực hiện Chương trình số 503 của Liên minh HTX Việt Nam về tiêu thụ sản phẩm cho HTX, tổ hợp tác trên trang website: lmhtxvnmart.com.vn, sau gần một tháng thực hiện, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 12 HTX đưa 27 sản phẩm nông sản lên trang website: lmhtxvnmart.com.vn, như gạo thơm Yên Dũng, bún khô chùm ngây Đa Mai, vải thiều sấy khô Lục Ngạn, mỳ chũ Xuân Trường, mỳ Chũ Thuận Hương, mỳ ngũ sắc Thuận Hương….
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, tất cả hàng hóa được kết nối tiêu thụ đều là sản phẩm OCOP của tỉnh. Thông qua đây, nhiều khách hàng đã liên lạc tìm hiểu, đặt mua hàng. Hoạt động này nhằm giúp các thành viên làm quen và thành thạo dần với việc giao dịch điện tử. Sau đó, các thành viên tự phát triển phương thức kinh doanh hiện đại để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả trên tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Kế hoạch này nhằm hỗ trợ đưa các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đăng ký tham gia trên 2 sàn TMĐT gồm: postmart.vn và voso.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang.
Hải Yến