Bắc Giang đưa 20 tấn vải sớm sang thị trường Nhật Bản
Ngày 26/5/2021, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức “Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản năm 2021”.
Theo ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, năm nay, toàn huyện có hơn 1,3 nghìn ha vải, sản lượng ước đạt 14 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện tập trung cao bảo đảm cho các "vùng vải thiều sạch - không bị tác động của dịch bệnh Covid-19”.
Vải thiều sớm Tân Yên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, sản phẩm hiện được xuất khẩu sang hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Ngay sau lễ xuất hành, đoàn xe của các doanh nghiệp chở 20 tấn vải sớm Tân Yên lên đường sang Nhật Bản. Lượng vải xuất khẩu được DN mua của người trồng giá 55 nghìn đồng/kg.
Đại diện các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Theo Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn), Công ty đã chủ động các điều kiện, cơ sở vật chất, dây chuyền, thiết bị sẵn sàng xuất khẩu vải thiều tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Vải thiều Việt Nam được bày bán trong siêu thị Nhật Bản năm 2020. |
Trước đó, trao đổi với PV Infonet về việc tiêu thụ mùa vải năm nay của Bắc Giang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, để khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép” vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế; đặc biệt là tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản cụ thể cho mùa vụ vải thiều năm 2021.
Lễ xuất hành chuyến vải thiều sớm Tân Yên đến thị trường Nhật Bản là một trong những sự kiện truyền thông quan trọng, thể hiện quyết tâm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để tiêu thụ vải thiều tuyệt đối an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hiện, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xác định trở thành tỉnh có vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước. Do đó, tỉnh quyết tâm hành động theo đuổi mục tiêu dựa trên tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là sản phẩm vải thiều. Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh tập trung xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, hai huyện Tân Yên và Lục Ngạn có diện tích vải lớn đã quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng; bố trí cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ liên kết, hợp tác xã, nhà vườn về quản lý mã số vùng an toàn, quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng dịch bệnh bảo đảm quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Những ngày này, tỉnh Bắc Giang đang tập trung rất cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động thu hoạch và tiêu thụ vải thiều. Người dân trồng vải đang kỳ vọng vào một mùa vụ bội thu thắng lợi. Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các DN, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải. Việc xuất khẩu chuyến vải thiều sớm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc của DN, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước cùng đồng hành với chính quyền và người dân Bắc Giang, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, tiêu thụ vải thiều.
Ngày 26/5, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, sau một năm Nhật Bản mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nông sản này đang có tiến triển thuận lợi bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp khâu đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng. Thay vào đó, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam thực hiện việc công việc này.
Tuân Nguyễn