Bà Phạm Thị Như Loan: Không vì cổ đông, nợ ngân hàng, tôi đã tự tử
Sáng 10/4, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ với 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cùng nhiều sở ngành liên quan.
Buổi đối thoại nhằm lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, bức xúc của nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đang gặp khó khăn để triển khai các dự án.
Cầm cự bằng dự án 3.000 m2
Phát biểu tại hội nghị bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, tỏ ra bức xúc với các giải quyết của các cơ quan thành phố với doanh nghiệp, từ đó khiến doanh nghiệp không thể triển khai các dự án của mình.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. |
Theo bà Loan, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.
Trong đó 150 ha này, bà Loan tỏ ra bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2, khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố.
Theo bà Loan, diện tích này có thể giúp kiếm vài trăm tỷ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên khoảng 1-2 năm. Từ đó giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác.
Tuy nhiên, tại dự án 3.000 m2 đất ở này, Quốc Cường liên tục gặp khó khăn. Lô đất này được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017. Khi đó Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Nhưng đến khi trình đến UBND TP.HCM để chấp thuận đầu tư, chuyên viên của cơ quan này lại trả lại.
“Chuyên viên này hỏi tại sao Sở Xây dựng lại ghi là cơ bản hoàn thành mà không khẳng định hoàn thành. Chỉ một câu chữ thôi mà từ tháng 10/2017 đến nay bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%”, bà Loan nói.
Theo đó, doanh nghiệp phải quay lại trình chấp thuận chủ trương đầu tư, xin phê duyệt lại quy hoạch 1/2000 trong khi doanh nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Sau đó, UBND TP.HCM đã có động thái thông cảm và thương doanh nghiệp đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ dưới sự chủ trì của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, vào tháng 10/2018.
Vị này đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) phối hợp với UBND quận 7 điều chỉnh quy hoạch 1/2000, cập nhật phê duyệt quy hoạch cho doanh nghiệp. Sau đó Giao UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ, thì thiết lập chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.
‘Tôi rất khổ tâm’
Theo bà Như Loan, từ tháng 12/2018 đến bây giờ Sở QH&KT vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND này cho doanh nghiệp với lý do họ thắc mắc đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không.
Doanh nghiệp phải qua Sở Tài chính hỏi cái này có vướng đất công hay không. Sở Tài chính trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên không thể tìm hiểu ngay được. Cơ quan này đề nghị muốn nhanh thì doanh nghiệp phải tự tìm ra hồ sơ.
Doanh nghiệp chấp nhận khổ cực để tìm cho ra hồ sơ và thấy được rằng năm 2005 không vướng vào đất công. Tuy nhiên, Sở QH&KT vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận.
“Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa và ngồi chầu trực ở quận 7 lấy được hồ sơ nhưng Sở QH&KT yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính”, bà Loan kể lại quá trình xin hồ sơ vất vả của mình.
Vị này đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM lắng nghe doanh nghiệp, và hỗ trợ giải quyết những khó khăn hiện nay.
“Tôi rất rất bức xúc vì dự án rất nhỏ này. Nó giống như câu nói dân dã: Thủ kho to hơn thủ trưởng. Anh em thụ lý hồ sơ, thực thi pháp luật đang rất hoang mang. Họ không trình lấy đâu ra trưởng phòng ký, trưởng phòng không trình lấy đâu ra phó giám đốc sở ký, phó giám đốc sở không trình nói gì đến UBND thành phố”, bà Loan bức xúc nói.
Bà Loan nhấn mạnh những khó khăn về thủ tục hành chính để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp rất khổ sở trong việc duy trì hoạt động, đặc biệt là để có nguồn thu để trả lương cho 3.000 công nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”, bà Loan nói.
CEO Quốc Cường cũng cho rằng nhiều sở, ngành thường cử các nhân viên kém chuyên môn đến họp nên không giải quyết được vấn đề tận gốc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tổ chức quá nhiều cuộc họp khiến doanh nghiệp tốn kém về thời gian, chi phí và cơ hội.
“Tôi nói là nỗi đau của những doanh nghiệp hiện nay”, bà Loan tâm tư.
Nguồn: Theo Zing.vn