Bà Phạm Chi Lan: “Vào TPP, tôi lo nhất là năng lực của Nhà nước..."
Nêu lên điều lo lắng trước cơ hội TPP mở ra đối với DN, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, năng lực cạnh tranh thấp và rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh là hai trở ngại lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt.
Xét về năng lực cạnh tranh, hiện Việt Nam là nước có thứ hạng thấp nhất trong TPP, thứ hạng về cơ sở hạ tầng cũng ở vị trí gần cuối. Riêng về mức độ phát triển của DN (độ tinh xảo hoạt động của DN) không những thấp mà còn có độ chênh rất lớn với các nước. Bên cạnh đó, quy mô DN hiện nhỏ chiếm tới 96%, trong đó 70% DN là siêu nhỏ, nên mức độ cạnh tranh là rất hạn chế.
“Đây mới chỉ là siêu nhỏ theo “chuẩn” của Việt Nam. Vậy thì khi TPP mở ra năng lực cạnh tranh sẽ ra sao?” – bà Lan đặt câu hỏi.
Xét riêng ở khía cạnh xuất khẩu, hiện tỷ lệ xuất khẩu của DN trong tổng kim ngạch rất thấp, chỉ hơn 16%. Cùng đó, liên kết giữa các DN với nhau rất hạn chế.
“Sự hiểu biết của DN về TPP hời hợt chứ không sâu. Trong khi đó, liên kết giữa các DN trong nội bộ ngành còn hạn chế chứ chưa nói tới liên kết trong cộng đồng DN chung. Thách thức cạnh tranh với DN đang tăng lên hàng ngày dù TPP chưa có hiệu lực. Khả năng bị lấn sân nhà của DN Việt Nam tăng lên rõ rệt trên mọi mảng thị trường, từ nhiều đối thủ” – bà Lan chia sẻ.
Theo bà Phạm Chi Lan, bộ máy Nhà nước cồng kềnh không những không hỗ trợ mà còn là điểm cản trở khi TPP có hiệu lực |
Bà Lan đưa ra ví dụ, cuộc đua tranh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Asean đang rất “gắt”. Dù đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, nhưng chất lượng gạo Việt Nam lại đang thua xa Campuchia. Tới đây khi Lào và Myamar cùng “nhảy vào” lĩnh vực xuất khẩu gạo thì thị phần dành cho Việt Nam sẽ càng nhỏ.
“DN Việt Nam bất lợi do năng lực cạnh tranh thấp, phụ thuộc vào nguồn cung đầu vào nhập khẩu. Chúng ta hội nhập hăng hái nhưng chưa kết nối tốt, trong khi hội nhập phải kết nối tốt mới đem lại hiệu quả. Chúng ta vận động cho tự do thương mại nhưng không có bình đẳng thương mại đâu! Cái công bằng, bình đẳng trong thương mại quốc tế là không có nên các nước nhỏ thì phải lên tiếng để tự bảo vệ mình, đòi quyền lợi cho mình” – bà Lan trăn trở.
Tuy nhiên, điều khiến nguyên Phó Chủ tịch VCCI lo lắng hơn cả là năng lực của Nhà nước, hơn là DN. “Vào TPP, tôi đã nói rất nhiều lần lo lắng nhất là năng lực của Nhà nước, chứ không phải DN. Bộ máy Nhà nước cồng kềnh không những không hỗ trợ mà còn là điểm cản trở khi TPP có hiệu lực.
Bất kỳ khi nào có cơ hội tôi đều bày tỏ lo lắng này của mình với các vị lãnh đạo Nhà nước…” – chuyên gia Phạm Chi Lan lo lắng.
Theo bà, luật pháp và chính sách còn nhiều hạn chế, thiếu minh bạch. Chính sách dù mới đưa ra nhưng thực thi kém, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau. Trong khi DN Nhà nước, DN FDI nhận được nhiều sự ưu đãi của Chính phủ thì khối DN tư nhân lại không được “chăm chút”. Tốc độ đào thải của DN nhỏ và vừa thời gian qua là hệ quả thấy rõ.
Một thực tế buồn khác cũng đang tồn tại khiến DN cảm thấy bị “bóp nghẹt”, đó là chi phí kinh doanh cao và đang có chiều hướng tăng lên. “Mười đồng DN làm ra, tới 4 đồng là nộp thuế, phí, thêm một phần dành cho phí bôi trơn, thì thử hỏi lợi nhuận thực DN còn bao nhiêu?. Điều này lý giải vì sao DN chỉ chăm chăm “chạy” quan hệ để được việc, hơn là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh” – bà thẳng thắn.
Vị chuyên gia kinh tế ví von, “không cải thiện, tạo điều kiện cho khởi nghiệp thì những “ngôi sao” này sẽ tồn tại rất ngắn trên bầu trời, sau đó tắt lịm”.
“Cả nền kinh tế phải chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới, chứ theo mô hình cũ dựa phần lớn vào vốn, lao động giá rẻ và DNNN thì không có cách nào đưa kinh tế phát triển, DN tư nhân đi lên... Hội nhập rồi, các DN cần sự hỗ trợ thực chất chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ trên giấy” – chuyên gia Phạm Chi Lan chốt lại.