Bà nội trợ hoang mang chọn nước mắm thật, an toàn
Thời gian gần đây, nhiều bài báo, các website cá nhân của một số bác sĩ và những người làm nghiên cứu đồng loạt lên tiếng về việc không cáo nước mắm cao đạm tự nhiên, những loại nước mắm được quảng cáo trên 30 độ đạm đều là nước mắm công nghiệp, thậm chí có những loại nước mắm không cần làm từ cá, chỉ làm hoàn toàn từ … phòng thí nghiệm đã khiến dư luận vô cùng hoang mang. Nhiều bà nội trợ bối rối không biết phải chọn nước mắm gì cho gia đình để vừa an toàn vừa ngon miệng.
Chị Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Ngày xưa nhà tôi toàn mua nước mắt truyền thống theo lít. Nhưng mấy năm gần đây nhiều thông tin các cơ sở sản xuất nước mắm kém vệ sinh, làm từ cá chết… nên tôi chuyển qua mua nước mắm đóng chai. Tôi cứ nghĩ nước mắm đóng chai của các công ty lớn, có cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên thì ít nhất cũng phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn chứ giờ lại thấy trên mạng người ta bảo nhau cái đó toàn hóa chất, ăn vào khéo… ung thư nên tôi lo quá, chẳng biết dung cái gì bây giờ”.
Giống như chị Hạnh, nhiều bà nội trợ đã chuyển thói quen mua nước mắm cho gia đình từ các loại nước mắm truyền thống sang nước mắm công nghiệp bởi các ưu điểm: sạch sẽ, đóng chai đẹp, vị ngọt không gắt chát, có nhiều lựa chọn; và ưu điểm cao nhất là vì xưa nay, nước mắm công nghiệp được người tiêu dùng cho là an toàn.
Tuy nhiên, nó có thực sự an toàn, hay ít nhất có an toàn hơn nước mắm truyền thống hay không thì lúc nào cũng là băn khoăn của người tiêu dùng. Chẳng có cơ quan thẩm quyền hay nhà nghiên cứu nào dám nói chắc là có hay không, chỉ biết, nước mắm công nghiệp cũng bị làm giả nhan nhản trên thị trường. Mỗi năm, trên cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ làm giả nước mắm với số lượng lớn, càng những nhãn hàng phổ biến thì lại càng dễ bị làm giả. Có những vụ đã từng trở thành nổi cộm như vụ làm giả nước mắm Nam Ngư bị phát hiện.
Về vấn đề vậy tại sao có những hãng lại tự tin gắn trên cả nhãn sản phẩm mắm của mình là mắm cao đạm tự nhiên, thì chỉ có thể có hai giả thiết: Một là mắm thật, nồng độ đạm thật không chỉ 10-20% nhưng lại quảng cáo là mắm cao đạm; hai là mắm cao đạm thật, có thể lên 50-60% nhưng là đạm tổng hợp trong công nghiệp. Ở trường hợp thứ hai, dù là đạm tổng hợp trong công nghiệp thực phẩm, thì nó vẫn có tác hại nhất định tới cơ thể con người, không thể vô hại như nước mắm thật làm theo cách truyền thống từ cá, muối và ủ từ 4 đến 6 tháng dưới trời nắng như xưa nay ngư dân Việt vẫn làm.
Ở đây, không thể không nói đến chuyện “lập lòe đánh lận con đen” khi nhiều hãng nước mắm lớn có, bé có cứ “thích” là cho ra thị trường sản phẩm, nhất là những thị trường sâu, xa; thậm chí một gia đình làm mắm bình thường cũng có thể tự đóng chai không cần nhãn mác bán ở ngay khu dân cư mình ở. Ở các hãng nước mắm có tiếng, người tiêu dùng cũng không biết đâu là quy định nhãn mác chuẩn, bao gồm những thông tin gì, nhìn vào đâu để biêt các thông số cần thiết mà lựa chọn.
Chị Vân (ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự băn khoăn: “Tôi thường mua cho gia đình và cả con nhỏ nước mắm Hạnh phúc vì thấy rất dễ ăn. Vị mắm không quá mặn, không chát, ngọt vị và thấy trên chai ghi là 60 độ đạm, làm từ cá cơm sóc tiêu Phú Quốc nên nghĩ tốt cho trẻ nhỏ. Tết năm nào tôi cũng mua biếu cả hai bên nội ngoại nữa. Nhưng nếu như thông tin trên các trang mạng về việc mắm truyền thống không thể cao hơn 30 độ đạm thì 30 độ còn lại kia ở đâu ra? Mắm truyền thống thì lo không đảm bảo an toàn vệ sinh, mắm đóng chai thì lo hóa chất. Thật không biết đâu mà lường”.
Nỗi lo lắng của chị Vân cũng như các bà nội trợ khác không phải vô cớ, khi chúng ta chưa có một quy chuẩn rõ ràng cho sản phẩm này ra thị trường. Quy định về việc ghi rõ nhãn mác, chủng loại, thành phần, tự nhiên hay công nghiệp… dù Việt Nam đã có Tiêu chuẩn Codex về Nước mắm từ năm 2011. Việc cần làm lúc này của các cơ quan chức năng là một câu trả lời rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm, cũng là để những người kinh doanh không bị các lời “đồn đại”, phỏng đoán làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.