Bà mẹ ngọt ngào chỉ có trong... truyền thuyết
Ngay cả sổ hồng căn nhà vợ chồng chị cắc củm dành dụm mua được, mẹ cũng lén mang đi… cầm cố tín dụng đen để mang tiền về quê giúp đỡ họ hàng. Kiểu như, con mình là… kẻ xấu, nên bà phải “lấy của người giàu chia cho người nghèo” vậy. Chị kể tới đây thì bật khóc: “Mẹ mình chắc nghĩ con cái ra ngoài làm lụng dễ dàng sung sướng lắm hay sao ấy!”.
Tôi chỉ biết an ủi, thật ra các bà mẹ của chúng ta cũng không ác ý gì. Chỉ là nghĩ không tới, lại quen áp đặt suy nghĩ ngày xưa cho thời bây giờ. Giống như má tôi, thường xuyên… từ mặt con gái chỉ vì nó dám khuyên mình bớt khắc nghiệt với con dâu. Chuyện đâu có gì mà nhà cửa cứ lạnh lẽo.
Má tôi lại hay giận, cực đoan, đã nghĩ ai xấu là người đó… chết chắc, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn khuyết điểm mà thôi. Má tôi khiến cho cảnh nhà luôn bấp bênh không yên ấm nổi. Dù gia đình ổn định tươm tất, nhưng má vẫn buông câu chê bai: “Nhìn con người ta làm ra tiền phát ham. Nuôi mấy đứa con ăn học tốn kém mà lương bổng chẳng được mấy đồng. Biết vậy hồi đó cho tụi bây đi buôn bán kiếm sống, thì giờ đời đã khác…”.
Đại khái vậy. Mấy anh em tôi buồn lòng, từng lựa lời xa gần nhắc má, nhưng cũng như không. Thậm chí má tôi còn không ngại ngần so sánh cháu nội cháu ngoại với… cháu nhà hàng xóm.
“Dạo này mẹ mình… ham tiền, cứ phải đưa tiền mới ưng, ngay cả mừng tuổi mẹ bằng chỉ vàng để mẹ cất để dành, mẹ cũng phật ý. Thật hết hiểu nổi. Sao lại đổi tính, trở chứng như vậy không biết nữa!”- chị nói.
Một người bạn khác của tôi cũng hờn tủi khi bảo, mẹ bạn luôn thiên vị chị hai, đối xử với mấy đứa con rất khác biệt. May mà bạn ít để bụng tị nạnh, chứ không chắc chị em trong nhà khó yên ổn được. Mẹ cái gì cũng phần cho “con hai”, chưa từng có khái niệm “chia đều” bao giờ.
Dù bạn nhận phần chăm nom, nuôi dưỡng, gánh vác mọi trách nhiệm, thì trong mắt mẹ bạn vẫn chỉ tồn tại “con hai”. Bạn lắm khi chạnh lòng...
Ảnh minh họa |
Chép, con gái tôi mới được duyệt nuôi hai con mèo. Mười bốn tuổi, nó xưng “má” ngọt xớt, nhẹ nhàng với đám mèo. “Hai đứa nhỏ đâu, ra má dạy cách… đi ị cho đúng chỗ nè!”. “Vàng, con không được cắn giày dép, nhớ hông?”.
Hẳn thâm tâm Chép cũng ước ao má đối xử với nó như vậy. Một cách vô thức, Chép đang truyền tải giấc mơ của bản thân qua cách âu yếm cưng nựng hai con mèo. Mà tôi thì, dẫu vẫn nhớ ngày thơ ấu luôn khao khát dịu dàng âu yếm, nhưng tới đời Chép, tôi lại khó kiềm chế cái sự “nóng tính võ công cao” của mình.
Tôi rất hay quát nạt, mắng mỏ, gầm ghè với con. Xong rồi ân hận, bứt rứt. Mai lại quên mất nỗi áy náy hôm qua. Cứ như thế, mẹ con tôi khắc khẩu giận hờn, trong nỗi khổ sở của tôi và những giọt nước mắt trách hờn của Chép…
Bà mẹ nào cũng từng là một đứa trẻ. Những đứa trẻ sẽ lớn lên, trở thành ông bố bà mẹ, thấm thía nỗi vất vả lẫn có phần bất lực của bản thân khi nuôi dạy thế hệ tiếp theo. Phải sinh con rồi mới hiểu lòng cha mẹ.
Chúng tôi có xúm lại kể tội các bà mẹ, ao ước về “bà mẹ trong truyền thuyết” luôn dịu hiền, hy sinh, thấu hiểu, thì cũng biết, đấy là một nỗi niềm rất buồn cười. Rồi thực tế hơn, chúng tôi nhận ra rằng, thực ra mẹ mình vất vả lắm. Thời xưa nào có bếp ga, bếp từ, lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, máy giặt… như bây giờ. Các ông chồng thuở đó cũng vô tâm, ích kỷ, gia trưởng hơn hẳn thời nay.
Mẹ không có điện thoại thông minh để mở mang đầu óc, làm đẹp, tìm hiểu xem nên nuôi dạy mấy đứa con cứng đầu thế nào. Mẹ chỉ có bản năng làm mẹ dẫn đường, ít sách vở, chẳng mạng mẽo hay các lớp kỹ năng này nọ để đối phó.
Nỗi xấu hổ khiến tôi chưa từng một lần dám nói với Chép: “Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, y như con, lần đầu làm con. Mẹ ít ỏi kinh nghiệm. Mẹ cũng chỉ biết làm những gì bản thân cho là tốt nhất. Một phụ nữ bình thường, bận bịu kiếm sống, đối mặt với bao nhiêu áp lực khốn khổ ngoài kia. Mẹ thật sự còn nhiều thiếu sót khi cư xử với con...”.
Cũng sẽ đến lúc con hiểu ra, bà mẹ luôn mềm mỏng, dịu dàng, tâm lý, tuyệt cú mèo kia chắc chỉ có trong truyền thuyết mà thôi, con gái ạ!