Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khóa cửa không tiếp người thi hành án, tiếp tục đâm đơn tố cáo
Như Infonet đã đưa tin, sáng 6/6 đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã tới căn biệt thự của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (đường Tú Xương, quận 3, TP.HCM) để yêu cầu thực hiện thi hành bản án tuyên ngày 12/11/2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM bà Thảo buộc phải trả lại con dấu cùng các loại giấy tờ cho CTCP Đầu tư Trung Nguyên.
Tuy nhiên, sau hơn nửa tiếng chờ đợi vẫn không có ai ra mở cửa, cơ quan thi hành án cùng đại diện tập đoàn Trung Nguyên đã ký vào biên bản và rời đi.
Chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đến căn biệt thự của bà Thảo sáng 6/6. |
Chiều cùng ngày, phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, Luật sư Đặng Ngọc Hoàng, luật sư của bà Thảo đã đến Cục thi hành án TP.HCM (Gò Vấp) gửi đơn tố cáo Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc, cán bộ phụ trách thi hành án vụ án con dấu của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Nội dung đơn tố cáo chỉ ra rằng Chấp hành viên Nguyễn Như Thanh Trúc có dấu hiệu vị phạm quy định tại Điều 357 Bộ luật hình sự, cụ thể là vượt quá quyền hạn, làm trái công vụ để tiếp tục yêu cầu bà Diệp Thảo giao giấy tờ, con dấu.
Trên cơ sở đó, luật sư của bà Diệp Thảo đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý và Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra xác minh đối với bà Thanh Trúc.
Ông Hưng cho biết theo Điều 383 Bộ luật dân sự quy định Chấm dứt nghĩa vụ thi hành án khi vật thi hành án không còn: “Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn”.
Trước đó, ngày 28/5/2019, tức là ngay lập tức sau khi nhận được thông báo của Cục Thi hành án dân sự TPHCM, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có văn bản phúc đáp Thông báo số 6452/TB-CTHADS ban hành ngày 27/5/2019 của Cục thi hành án dân sự TP.HCM, trong đó nêu rõ Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới và con dấu mới vào ngày 20/10/2015.
“Hiện tại, bà Diệp Thảo không còn giữ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu của công ty này nữa nên cơ sở để bà Diệp Thảo thực hiện việc thi hành án không còn. Vì vậy, việc Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế số 103/QĐ-CTHADS ngày 25/4/2019 và liên tục thông báo yêu cầu bà Diệp Thảo thi hành là trái pháp luật.” Luật sư của bà Diệp Thảo khẳng định.
Trước thông tin cho rằng bà Diệp Thảo chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, bà Diệp Thảo một lần nữa khẳng định: “Vụ việc con dấu này là một trong những chiêu trò mà nhóm thao túng đã nhiều lần dùng để bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của tôi. Mục đích của họ là bằng mọi giá phải ngăn tôi trở về củng cố lại Trung Nguyên.”
Trước đây bà Diệp Thảo đã nhiều lần lên tiếng về vụ việc con dấu. Bà nhấn mạnh rằng đây không phải là cuộc chiến giữa vợ chồng bà, mà là cuộc chiến với nhóm thao túng âm mưu lợi dụng bệnh tình của chồng bà để chiếm đoạt Trung Nguyên.
Bà Diệp Thảo cho rằng trong thời gian ông Đặng Lê Nguyên Vũ ẩn tu trên núi suốt 5 năm và ủy quyền hầu như mọi công việc điều hành Trung Nguyên cho cấp dưới quản lý, nếu như bà không trở về lấy lại con dấu và giấy đăng ký kinh doanh của công ty để điều hành hoạt động xuất khẩu của Trung Nguyên thì thời điểm 2015 “Tập đoàn đã lâm nguy”.
Cũng theo bà Diệp Thảo, nhóm thao túng “rất sợ những hành vi phạm tội của họ bị phơi bày, nhất là khi biết rằng bà quyết tâm trở về để cứu chồng và cứu Trung Nguyên. Vì thế, họ một mặt vừa ngăn cản bà trở về, một mặt tạo ra các vụ kiện tụng để bôi nhọ bà bằng mọi chiêu trò. Vụ việc con dấu trên đã cho thấy rõ điều này.”
Trước đó, ngày 20/9/2018 bà Diệp Thảo được Tòa án cấp cao TP.HCM khôi phục chức vụ Phó Tổng giám đốc Thường trực tại Trung Nguyên, nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được. Tiếp đó, bà Thảo tố cáo vụ việc giả mạo tài liệu chứng từ tại Công ty Hòa tan Trung Nguyên từ tháng 3/2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong kết quả Trưng cầu giám định.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. |
Thông tin chi tiết về vụ con dấu của Trung Nguyên
Tại thời điểm Tập đoàn Trung Nguyên bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Diệp Thảo vào tháng 5/2014, hoạt động kinh doanh quốc tế vẫn được bà điều hành thông qua công ty Trung Nguyên International tại Singapore. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của Tập đoàn Trung Nguyên đều giao cho cấp dưới quản lý.
Đỉnh điểm vào tháng 10/2015, cấp dưới của ông Đặng Lê Nguyên Vũ ban hành lệnh cấm xuất hàng, không cho xuất khẩu các sản phẩm cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên đến các thị trường quốc tế.
Việc làm này dẫn đến 44 đơn hàng với tổng giá trị lên đến hơn 4,8 triệu đô la Mỹ của Tập đoàn Trung Nguyên đã không thể giao được cho đối tác đúng thời hạn.
Trước những rối ren trong nội bộ do việc ông Vũ gần như vắng bóng tại công ty, bà Lê Hoàng Diệp Thảo với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC - là đơn vị quản lý trực tiếp các nhà máy sản xuất các sản phẩm cà phê mang thương hiệu G7) đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bàn giao con dấu của Trung Nguyên IC và đã đến Tập đoàn Trung Nguyên để lấy con dấu.
Thời điểm đó, nhân viên thư ký đã giao toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tập đoàn cho bà.
Bà Diệp Thảo khẳng định nhiều lần đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các Công ty, tuy nhiên phía Tập đoàn Trung Nguyên từ chối không nhận lại.
“Trên thực tế, ngay sau đó, Tập đoàn Trung Nguyên cũng đã tự làm lại các con dấu và giấy phép kinh doanh tại thời điểm này và sử dụng cho mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên bình thường từ đó cho đến nay.” Bà Diệp Thảo khẳng định.
Cũng ngay tại thời điểm đó, bà Diệp Thảo cũng đã mang trả lại các con dấu cùng các giấy chứng nhận. Tuy nhiên, bà Diệp Thảo cho rằng Tập đoàn đã này “cố tình không nhận” để đưa bà Diệp Thảo vào vụ kiện chiếm đoạt con dấu nhằm bôi nhọ và hạ uy tín của bà.