Bà lão đối diện 15 năm tù vì mua kỳ đà phóng sinh: Luật sư nói gì?
Luật sư cho rằng, nếu mục đích của bà lão là để phóng sinh, đưa trả các cá thể này trở về tự nhiên thì hành vi của bà là hành động bảo vệ động vật quý hiếm, hành động nhân đạo, tuân thủ pháp luật.
Cụ bà 75 tuổi mua 5 con kỳ đà để phóng sinh, bất ngờ bị truy tố vì nuôi nhốt động vật hoang dã
Một cụ bà 75 tuổi ở Đắk Nông bất ngờ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” sau khi nhận nuôi 17 con kỳ đà từ một người lạ, trong đó 5 con định để phóng sinh.
Như đã đưa tin, bà L. (75 tuổi ở Đăk Nông) mua 5 con kỳ đà với giá 2.500.000 đồng. Sau khi bán 5 con kỳ đà cho bà, người đàn ông lạ mặt gửi thêm 12 con còn lại cho bà L., hẹn chiều quay lại lấy nhưng sau đó không quay lại. Theo lời khai của bà L., bà mua kỳ đà với ý định để phóng sinh.
Mua kỳ đà phóng sinh, đối diện mức án... 15 năm tù
Sáng 5/1, Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra khu vực chăn nuôi phía sau nhà bà lão này thì phát hiện, lập biên bản về hành vi nuôi, nhốt 17 cá thể kỳ đà vân, tổng trọng lượng 27 kg.
Quá trình giải quyết, bà cụ không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số lượng kỳ đà trên.
Theo kết luận giám định của các cơ quan chức năng, 17 cá thể kỳ đà vân có tên khoa học (Varanus nebulosus) thuộc lớp bò sát (Reptilia) trong nhóm IB nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
VKSND huyện Cư Jút quyết định truy tố bà L. theo điểm b, khoản 3, Điều 244 Bộ Luật hình sự, với mức án từ 10-15 năm tù.
Kiểm tra, phát hiện 17 cá thể kỳ đà ở nhà bà cụ 75 tuổi, lực lượng chức năng thu giữ thả về rừng. |
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết:
Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án ghi nhận "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng". Để xác định sự thật vụ án, chứng minh tội phạm trong vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được lỗi của bà L. Cụ thể phải chứng minh được bà L. có lỗi cố ý trực tiếp khi thực hiện hành vi phạm tội.
Điều 10 Bộ luật hình sự quy định Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra".
Trong vụ việc này, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được bà L. nhận thức, có hiểu biết 17 cá thể kỳ đà vân trong nhóm IB nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, bị nhà nước cấm. Thấy được hậu quả của hành vi nuôi nhốt là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi này.
Cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý mục đích phóng sinh của bà lão
Để chứng minh lỗi của bà L., cơ quan tiến hành tố tụng có thể dựa trên hiểu biết chung của cư dân khu vực đó, các tài liệu tuyên truyền, tài liệu báo chí để có thể đi đến nhận định bất cứ một cá nhân nào đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi cũng đều có thể biết rằng kỳ đà vân nằm trong nhóm IB nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, bị nhà nước cấm. Hoặc dựa trên nghề nghiệp, trình độ nhận thức, học vấn của cá nhân bà L. để đi đến nhận định bà L. nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó. Việc chứng minh này cũng không hề dễ dàng cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án còn ghi nhận thêm rằng: "Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội".
Bà L. có thể đưa ra các bằng chứng, căn cứ cho rằng mình hoàn toàn không biết hoặc không buộc phải biết đây là động vật hoang dã quý hiếm, bị Nhà nước cấm nuôi, nhốt. Nếu bà L. chứng minh được mục đích nuôi, nhốt các cá thể kỳ đà vân chỉ để phóng sinh, thả về môi trường tự nhiên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu mục đích của bà L. là để phóng sinh, đưa trả các cá thể này trở về tự nhiên thì hành vi của bà L. chẳng những không xâm phạm khách thể được pháp luật bảo vệ mà còn là hành động bảo vệ động vật quý hiếm, hành động nhân đạo, tuân thủ pháp luật. |
Cụ thể là theo lý luận thì hành vi của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm là để xâm phạm chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội. Thông qua việc nuôi, nhốt cá thể kỳ đà người có hành vi đó xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu mục đích của bà L. là để phóng sinh, đưa trả các cá thể này trở về tự nhiên thì hành vi của bà L. chẳng những không xâm phạm khách thể được pháp luật bảo vệ mà còn là hành động bảo vệ động vật quý hiếm, hành động nhân đạo, tuân thủ pháp luật.
Đây là tội phạm có cấu thành hình thức - tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là đủ cơ sở định tội. Nhưng nếu chỉ xem xét đến hành vi nuôi, nhốt cá thể kỳ đà vân mà không tìm hiểu mục đích của hành vi này của người bị buộc tội thì cơ quan tiến hành tố tụng dường như đã không đảm bảo việc xác định sự thật của vụ án quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự: "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội".
Thêm nữa khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự có quy định: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác". Đây là một căn cứ pháp lý để người bị buộc tội, cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, tháo gỡ vướng mắc khi xử lý vụ việc của bà L.
Hành vi bà L. có nuôi, nhốt động vật hoang dã quý hiếm - có dấu hiệu của tội phạm nhưng nếu như mục đích của bà đúng là để trả những cá thể này về môi trường tự nhiên thì tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên không coi là tội phạm mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Trong hoạt động tố tụng, bên buộc tội và bên gỡ tội đều có quyền đưa ra các bằng chứng, lập luận để chứng minh cho nhận định của mình là đúng đắn, phù hợp với hành vi, phù hợp với quy định pháp luật. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ lắng nghe quan điểm các bên, từ đó phân tích, nhận định để đi đến kết luận bằng một Bản án hoặc Quyết định tố tụng.
Theo Dân trí