Bà Hồng Xuân đề nghị trang bị “lu to và mỹ thuật” để chống ngập thế nào?
Các đại biểu chưa hài lòng với kết quả chống ngập trong những năm vừa qua. |
Chiều 12/7 HĐND TP.HCM tiếp tục phiên họp với báo cáo giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập.
Phát biểu tại đây Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết “có ý kiến nho nhỏ” đóng góp về giải pháp chống ngập do mưa. Theo bà hiện thế giới có xu hướng hoạt động xanh, bảo vệ môi trường, do vậy sẽ khai thác những yếu tố về văn hóa địa phương trong quy hoạch và phát triển xã hội.
“Theo góc nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi thấy rằng có thể khai thác một số giá trị ở cộng đồng địa phương, để ứng dụng hiệu quả ở các đô thị. Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa.
Qua kinh nghiệm các quốc gia cũng như trong khu vực, người ta sử dụng lu này để chứa nước mưa với mục đích giảm ngập. Nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ về biện pháp đó để chính quyền thành phố - bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to như vậy, và mỹ thuật chút xíu để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa” – đại biểu Xuân đề xuất.
Trong khi đó nguyên Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá UBND TP đã cố gắng “vẽ được bức tranh toàn cảnh” về tình hình chống ngập trên địa bàn thành phố - vấn đề mà theo bà “không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn cản trở sự phát triển”.
Tuy vậy bà cho rằng dù thành phố chỉ ra được hạn chế, nguyên nhân nhưng lại chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể các các đơn vị, địa phương. Đó là việc kênh rạch bị lấn chiếm, dù khi trước đây là hệ thống thoát nước rất tốt.
“Những vấn đề này đặt ra đã nhiều năm, nhưng qua giám sát lần này cho thấy chưa chỉ ra được tại sao tồn tại nhiều năm đến vậy, trách nhiệm thuộc về ai” – bà Tâm cho hay.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP cũng nhấn mạnh: “Để dây dưa kéo dài chính là vì không chỉ ra trách nhiệm của cơ quan nào. Không nên né tránh như vậy nữa, phải chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm thì nơi đó mới tập trung đưa ra giải pháp khắc phục”.
“Mình không phủ nhận sạch trơn những nỗ lực của Ủy ban, nhưng phải nhìn nhận thực tế để đưa ra giải pháp mạnh mẽ hơn, có địa chỉ hơn” – bà nói.
Theo bà, cần đánh giá kết quả đạt được so với nguồn lực bỏ ra, đồng thời phải hỏi chính người dân để thấy rằng họ có đồng ý với những đánh giá khả quan của TP hay không, chất lượng sống của họ có tốt hơn hay không?
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thừa nhận đây là bài toán nan giải mà thành phố đang đối mặt. Theo ông ngập úng không chỉ ảnh hưởng đến một nhóm dân cư mà đang ảnh hưởng đến toàn dân TP.
Về nguyên nhân, ông Hoan đề cập đến tác động của tự nhiên và cả lỗi do con người. Theo đó các cơn mưa có vũ lượng lớn xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Đỉnh triều cường cũng tăng từ 1,5m (năm 2001) lên hơn 1,7m vào thời điểm cuối năm 2018.
Ngoài ra quá trình đô thị hóa nhanh khiến diện tích đất thoát nước tự nhiên bị thu hẹp, nền đất TP tiếp tục lún qua các năm, còn hệ thống cống được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp. “Chúng đồng thời tác động khiến chống ngập rất khó khăn” – ông Hoan cho biết.
Một vấn đề lớn khác là nguồn vốn cho lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng. Theo tính toán, giai đoạn 2016-2020 TP cần đến 96.000 tỷ, tuy nhiên ngân sách chỉ lo được khoảng 6.300 tỷ - chưa tới 10% nhu cầu.
Dù vậy ông cũng cho biết thành phố “đã làm được nhiều việc”, có ý nghĩa lớn. Điều đó thể hiện qua việc gần đây nhiều khu vực vẫn ngập nhưng “không còn dai dẳng, triền miên”. “Điều đó chứng tỏ khi triển khai đồng bộ các giải pháp thì đã có hiệu quả” – ông nhận định.