Bà bầu cần uống sắt từ lúc nào, thời gian nào trong ngày
Sắt là một thành tố vô cùng quan trọng cấu tạo hồng cầu, có tác dụng vận chuyển oxy trong cơ thể. Bà nầu nếu thiếu sắt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mẹ và thai nhi, phổ biến nhất là thở hổn hển, mệt mỏi, suy nhược ở người mẹ; còn thai nhi bị thiếu sắt có thể dẫn tới sinh non, nhẹ cân, ảnh hưởng đến cả sự phát triển sau này.
Bà bầu cần được bổ sung sắt suốt thai kỳ. Ảnh minh họa |
Với người phụ nữ, bình thường cơ thể trong độ tuổi sinh sản đã cần bổ sung sắt thường xuyên do việc mất máu trong mỗi kỳ kinh. Tuy nhiên, giai đoạn mang thai, cơ thể người mẹ càng cần lượng máu lớn hơn để nuôi dưỡng thai nhi, chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Thông thường, cơ thể người mẹ có nhu cầu sắt gấp đôi bình thường.
Bà bầu có thể lựa chọn các thực phẩm giàu acid folic, giàu sắt. Tuy nhiên, đa phần chế độ ăn sẽ không đủ cung cấp sắt cho cơ thể, vì thế các bác sĩ thường khuyên bà bầu bổ sung thêm viên sắt.
Thời gian bắt đầu bổ sung viên sắt với bà bầu là ngay sau khi có thai. Và nên uống kéo dài đến sau khi sinh khoảng 1-2 tháng.
Tùy tình trạng mỗi bà bầu mà bác sĩ sẽ kê đơn sắt và acid folic phù hợp.
*Lưu ý:
1) Canxi cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể, vì vậy bạn nên uống sắt cách xa thời gian uống canxi, uống sữa hay ăn những thực phẩm giàu canxi. Tốt nhất nếu bác sĩ yêu cầu bạn uống cả canxi và sữa thì hãy uống canxi buổi sáng, sắt buổi tối (cách bữa sữa tối ít nhất 1 tiếng).
2) Để tăng khả năng hấp thu sắt có nguồn gốc phi động vật, bạn nên ăn nhiều rau quả và thực phẩm giàu vitamin C trong quá trình uống sắt như nước ép cam, ổi, bưởi.... Thực phẩm nhóm này cũng giúp bạn khắc phục chứng táo bón trong thai kỳ do uống canxi và sắt.
Ăn nhiều thịt đỏ và cá cũng giúp cơ thể bạn hấp thu sắt tốt hơn.
3) Nếu bạn gặp tác dụng phụ khi uống sắt như ợ nóng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, hãy thử thay đổi thời gian uống và giảm liều lượng uống, hoặc đề nghị bác sỹ thay đổi loại viên sắt bổ sung cho bạn sang nhãn khác hoặc dạng khác như dạng ống chẳng hạn. Nếu tình trạng được cải thiện, bạn sẽ tăng lại liều lượng từ từ trở lại mức mà bác sĩ kê đơn. Nếu tình trạng vẫn kéo dài hoặc nặng nề hơn, hãy dừng uống ngay và đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!