Asen nước mắm: Đã theo dõi 20 năm chưa phát hiện asen độc hại!
Xung quanh vụ công bố “67% mẫu nước mắm có asen tổng vượt ngưỡng cho phép”, Chủ tịch Hội nghề cá, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thắc mắc “không hiểu vì sao arsen lại tiếp tục được xáo xới lại".
Sau khi Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố: "Có đến 101/150 mẫu (chiếm 67,33%) được kiểm định chất lượng có hàm lượng Asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều", đã gây hoang mang dư luận.
Ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas chỉ mang tính chất tham khảo.
Nước mắm chứa asen (thạch tín) vượt ngưỡng nhưng vẫn an toàn |
Theo ông, chỉ khi có công bố của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì thông tin mới có tính pháp lý.
“Hội nghề cá và những người làm thủy sản chúng tôi cho rằng thông tin không bảo đảm tính pháp lý cao, khi đưa thông tin như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất, kinh doanh nước mắm”, ông Thắng nói.
Trước kết quả khảo sát của Vinastas gây hoang mang dư luận, vị Chủ tịch hội nghề cá cho rằng, Cục ATTP Bộ Y tế và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần có trác nhiệm lên tiếng về việc này.
Bên cạnh đó, ông cũng đặt dấu chấm hỏi về khảo sát của Vinastas. Theo ông, Việt Nam đã theo dõi hàm lượng arsen trong nước mắm 20- 30 năm nhưng không phát hiện thấy có arsen độc hại. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của nước ngoài cũng không đặt vấn đề về hàm lượng arsen nên chúng ta đã bỏ không kiểm tra arsen cả chục năm nay. Nước mắm truyền thống của Việt Nam gây được tiếng vang, đã xuất khẩu đi nhiều nước, số lượng xuất khẩu chiếm khoảng 10%.
“Vì thế tôi không hiểu vì sao arsen lại tiếp tục được xáo xới lại”, ông Thắng thắc mắc.
“Tôi cũng có nghe thông tin rằng có lẽ có sự mâu thuẫn giữa những người làm nước mắm, nước chấm, nước mắm công nghiệp và truyền thống, nếu như vậy thì nó sẽ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh”, ông Thắng nói.
Điều đáng nói là trong kết quả khảo sát của Vinastas có nói: “67% nước mắm có asen tổng vượt ngưỡng cho phép”, nhưng thực tế, Việt Nam không có quy chuẩn về asen trong nước mắm.
Trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng khẳng định, theo tiêu chuẩn nước mắm TCVN 5107: 2003 không có quy định về chỉ tiêu asen, chỉ nói đến dư lượng tối đa của chì.
Trong buổi công bố kết quả khảo sát ngày 17/10, nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định, asen tổng (gồm cả asen hữu cơ) không quy định bắt buộc phải công bố, chỉ công bố asen vô cơ. Đây cũng là điều mà các nước đã và đang làm.
Ông Tiệp cũng cho biết, sinh vật biển trong đó có cá biển có hàm lượng asen hữu cơ cao vì môi trường sống ở đại dương, asen được hình thành bởi biến động địa chất, môi trường sống khiến cá tích lũy asen hữu cơ. Tuy nhiên, asen hữu cơ không độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe như asen vô cơ.
Ông Tiệp cho biết, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm và sẽ sớm công bố kết quả.
Mặc dù Vinastas đã giải thích asen phát hiện trong nước mắm là asen hữu cơ, không độc hại, nước mắm vẫn an toàn nhưng cách đưa thông tin của Vinasta đã khiến người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng đến ngành nước mắm truyền thống.
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết tổ chức này đã gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, yêu cầu làm rõ các thông tin xung quanh công bố của Vinastas về nước mắm của các doanh nghiệp nhiễm asen.
Theo bà Liên, việc lấy mẫu kiểm tra bất ngờ và công bố thông tin không rõ ràng của Vinastas đang đẩy các doanh nghiệp nước mắm truyền thống tới bờ vực của việc phá sản.Trong khi đó, nước mắm Phú Quốc là thương hiệu của quốc gia, được bảo hộ tại nhiều thị trường nước ngoài. Các công bố về tiêu chuẩn chất lượng, độ đạm… của nước mắm Phú Quốc đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chứng nhận, cấp phép.
Còn ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cũng cho biết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại địa phương đang rất bức xúc vì thông tin nước mắm có asen vượt ngưỡng vừa được công bố.