Anh được và mất gì nếu rút khỏi EU?
Trong buổi trả lời được tường thuật trực tiếp trên kênh truyền hình Sky News, Thủ tướng David Cameron đã trả lời khá nhiều câu hỏi hóc búa của cử tri Anh liên quan đến vấn đề quy chế thành viên của Anh trong EU. Theo ông Cameron, Anh sẽ giữ được hàng loạt ưu thế nếu như tiếp tục ở lại trong EU.
Thủ tướng Anh David Cameron (Áo trắng) |
Các quan hệ thương mại hưởng lợi nhất
Khi đề cập đến vấn đề kinh tế và quan hệ thương mại - doanh nghiệp với các nước EU, Thủ tướng Anh khẳng định rằng Anh đang có được quy chế đặc biệt trong EU.
“Mặc dù vẫn đang trong thị trường rộng lớn với 500 triệu người- thị trường rất quan trọng đối với nền kinh tế của Anh, cũng như tạo ra nhiều việc làm nhưng chúng ta không nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro). Chúng ta vẫn có đồng tiền riêng… chúng ta sẽ không bao giờ gia nhập vào khu vực đồng tiền chung này”- ông David Cameron nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Anh, ngoài quy chế đặc biệt trên, Anh còn được hưởng quy chế đặc biệt khác đối với vấn đề kiểm soát biên giới. Điều này cho phép Anh được tự hạn chế việc thâm nhập vào Anh của công dân các nước khác nhưng công dân Anh vẫn được tự do đi lại khắp châu Âu mà không cần thị thực (viza).
Nếu như Anh rút khỏi EU thì đồng nghĩa với việc Anh sẽ mất đi quyền tiếp cận trực tiếp đến thị trường rộng lớn của EU. Điều này sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể lên nền kinh tế Anh, lên các mối quan hệ kinh tế, lên cuộc sống hiện nay cũng như các thế hệ tương lai của nước Anh.
Theo một số chính trị gia theo đuổi khuynh hướng giữ Anh ở lại EU, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới của Anh và thị trường lao động châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nếu như Anh rời khỏi EU, việc ký kết các hợp đồng hợp tác kinh tế-thương mại giữa Anh với các nước EU sẽ mất rất nhiều thời gian, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Anh.
Công nghiệp thép cũng được hưởng lợi
Được biết, khu vực miền Nam xứ Wales là nơi tập trung rất nhiều nhà máy sản xuất thép của Anh. Một công dân khu vực này đã đặt câu hỏi cho Thủ tướng Anh David Cameron về những lợi ích đối với các nhà máy thép này nếu như Anh vẫn tiếp tục ở lại EU.
“Chúng ta (ngành công nghiệp thép của Anh) cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu như Anh vẫn ở lại trong EU. Trung Quốc sẽ không thể nào đưa thép bán phá giá đến toàn bộ thị trường EU”- ông Cameron trả lời.
Ngoài ra, theo Thủ tướng Anh, nếu như từ bỏ quy chế thành viên trong EU, Anh sẽ phải đối mặt với việc thuế bán các sản phẩm thép bị nâng lên, cũng như phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề khó khăn khác về hợp tác kinh tế.
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh. |
Chủ nghĩa khủng bố ở EU không đáng lo ngại
Vấn đề cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện đang có những tác động không nhỏ đến tư tưởng và sự quyết định của người dân Anh đối với vấn đề Brexit. Hiện phần lớn người dân Anh đang lo ngại rằng nếu như Anh vẫn là thành viên của EU sau cuộc trưng cầu dân ý sắp tới thì mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với nước Anh sẽ ngày càng gia tăng. Mối đe dọa này thậm chí còn tăng mạnh hơn nếu như Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào EU.
Để giải đáp các thắc mắc này của cử tri Anh, Thủ tướng David Cameron lên tiếng trấn an rằng EU đã liên tục gia tăng các biện pháp đảm bảo an ninh và việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU chỉ có thể thực hiện được sau năm…3000.
“Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, được bảo vệ tốt hơn nếu như chúng ta trao đổi (với EU) các nỗ lực và các thông tin cần thiết”- ông David Cameron nhấn mạnh.
Ông Cameron cũng nhấn mạnh thêm rằng châu Âu đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, đồng thời tăng cường mạnh mẽ hợp tác với Anh.
“Nếu như đặt câu hỏi này cho tôi 10 năm trước thì tôi sẽ không ngần ngại nói “không”. Tuy nhiên, sau 6 năm giữ chức vụ Thủ tướng Anh, tôi có thể tự tin khẳng định rằng hợp tác (giữa Anh và EU) đã được tăng cường, và việc trao đổi các thông tin tình báo có ý nghĩa quan trọng. Tất nhiên, cho dù rút khỏi EU thì Anh vẫn có thể khôi phục các mối liên hệ này nhưng sẽ mất nhiều thời gian và nhiều nỗ lực”- Thủ tướng Anh kết luận.
Lợi ích của đất nước phải đặt cao hơn chính trị
Ngoài các vấn đề trên, một nữ cử tri Anh cũng đặt ra cho ông David Cameron khá nhiều câu hỏi hóc búa như: Liệu có mâu thuẫn hay có mối liên hệ nào giữa việc chỉ 3 tuần trước khi bầu cử Thị trưởng London, ông Cameron đã lên tiếng chỉ trích chương trình hành động của ứng cử viên Sadiq Khan nhưng sau đó 2 tuần lại cùng đứng chung vũ đài chính trị sau khi Khan được bầu làm Thị trưởng London (cùng có quan điểm phản đối Brexit)? Liệu có sự đạo đức giả nào trong chiến dịch giữ Anh ở lại EU hay không?... Những câu hỏi của nữ cử tri này đã nhận được những tràng pháo tay của những người tham gia buổi trả lời trực tiếp của ông David Cameron.
“Ông ấy (Sariq Khan) đã được bầu làm Thị trưởng London và tôi cho rằng việc Thủ tướng làm việc với Thị trưởng được bầu để phục vụ lợi ích cho người dân London là việc làm đúng đắn. Chúng tôi phải cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề như cải thiện hệ thống giao thông công cộng, làm trong sạch không khí, giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội. Đúng là tôi và Sariq Khan đang có một số bất đồng nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng làm việc cùng nhau. Và trong các vấn đề này tôi có cùng quan điểm với ông ấy. Có một số vấn đề cần phải đặt cao hơn mối quan hệ giữa các chính trị gia”- Thủ tướng David Cameron trả lời.
David Cameron cũng khẳng định rằng những bất đồng về chính trị sẽ không cản trở việc ông liên kết với các thành viên đảng Bảo thủ để giải quyết các vấn đề chung của Anh.
Bình luận về quan điểm của cựu Thị trưởng London Boris Johnson (tương lai có thể là Thủ tướng Anh) về việc Anh nên rút khỏi EU, ông David Cameron khẳng định rằng Brexit “sẽ là sai lầm lớn đối với Anh”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria Novosti.