Án oan ở Bắc Giang: Cán bộ về hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm!
ĐBQH Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao (Ảnh ND) |
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 26/5, ĐBQH Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao đã trao đổi với phóng viên xoay quanh một số vụ án oan của bà Đỗ Thu Hằng, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn cùng xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi, ngụ ở phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nguyên là giáo viên cấp 3 bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong án phạt hơn 5 năm tù giam, bà Hằng làm đơn kêu oan và đã được Viện KSND Tối cao ra kháng nghị hủy án, điều tra lại từ đầu.
Đặc biệt đáng quan tâm trong đơn kêu oan, bà Hằng phản ánh, gia đình đã bị tan nát sau bản án này: chồng tự tử, con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, con trai sa vào nghiện ngập, ngồi tù.
Còn đối với ông Hàn Đức Long, sau khi bị tố cáo hành vi hiếp dâm CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, ông Long thú nhận hành vi hiếp dâm và giết người. TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình.
Tuy nhiên sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.
Một vụ án oan đình đám khác cũng được dư luận rất quan tâm trong thời gian dài là án oan 10 năm tù giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bà Đỗ Thị Hằng đã bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù oan. (Ảnh TS) |
Trao đổi với phóng viên về vụ án của bà Đỗ Thị Hằng, ông Nguyễn Sơn cho biết đến giờ chưa nhận được văn bản chính thức của VKSND Tối cao. Tuy nhiên theo nguyên tắc thì Tòa hình sự TAND Tối cao sẽ phải xét xử lại vụ án này theo đề nghị của VKSND Tối cao.
“Việc quyết định thế nào sẽ do hội đồng xét xử. Nếu có sai phạm, cố tình ra bản án trái pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo Luật hình sự. Trách nhiệm bồi thường thì được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước” – ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Sơn cũng cho biết, TAND Tối cao vừa có văn bản gửi các cơ quan tố tụng, kháng nghị bản án của Hàn Đức Long (Bắc Giang) theo hướng hủy án điều tra lại. Sau khi TAND Tối cao kháng nghị thì VKSND Tối cao còn phải xem xét lại hồ sơ vụ án này.
Đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Nguyễn Sơn cho biết sau khi ông Chấn chính thức được đình chỉ điều tra, TAND Tối cao đã yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao chuẩn bị sẵn sàng, nếu có yêu cầu bồi thường thì phải bồi thường theo quy định.
Đề cập đến trách nhiệm của của cá nhân dẫn đến án oan, ĐBQH Nguyễn Sơn nói: “Những cán bộ tham gia tố tụng, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn hay một người bị oan sai nào khác, dù đã về hưu thì vẫn phải xem xét trách nhiệm”.
“Nếu phải bồi thường thì phải áp dụng đúng theo uy định của nhà nước về trách nhiệm bồi thường. Làm án này nhiều khi khó mà xác định được có cố tình hay không. Nếu cố tình thì chắc chắn bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật”- ông Sơn cho hay.
Đề cập đến việc xem xét năng lực của TAND tỉnh Bắc Giang khi để xảy ra nhiều vụ án oan, nghi oan, ông Nguyễn Sơn cho biết: “Khi xét xử vụ án thì phải xem xét nguyên nhân, điều kiện sai phạm của cơ quan tổ chức để có biện pháp khắc phục, lấy đó làm bài học”.