Ăn nửa cân măng cụt bệnh nhân suy thận nhập viện vì ngưng tim: Bác sĩ cảnh báo gì?
Mới đây, câu chuyện của một nam bệnh nhân 60 tuổi nhập viện cấp cứu vì tăng kali huyết. Điều đáng nói, bệnh nhân bị suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo khoảng 1 năm nay.
Kết quả xét nghiệm Kali của bệnh nhân khiến cả tua trực “thót tim” |
Chiều cuối tuần ở nhà buồn nên bệnh nhân nay ăn nửa cân măng cụt. Sau khi ăn, người bệnh thấy mệt dần. Đến sáng sớm, người bệnh vào viện cấp cứu. Lúc này xét nghiệm K+ 8.87mmol/l; Điện tim ECG thì rối loạn nhịp, tim đập có 40 lần / phút, có xu hướng đập chậm dần - nguy cơ ngừng tim.
Các bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành chạy thận lọc máu cấp cứu, may mắn bệnh nhân đã được cứu sống.
TS Nguyễn Cao Luận, Nguyên trưởng khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những trường hợp cấp cứu vì ngừng tim do kali máu tăng cao không phải là hiếm. Không riêng gì quả măng cụt mà hầu như các loại rau lá, hoa quả đều nguy hiểm.
TS Luận đã từng gặp bệnh nhân chỉ vì trót ăn vài quả chuối một thực phẩm giàu kali đã nhanh chóng nhập viện vì ngừng tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong.
Cách đây không lâu, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhưng mùa vải đến,thèm quá bệnh nhân ăn vài quả vải và kết quả tăng kali máu đột ngột gây ngừng tim và tử vong. Đã có trường hợp bệnh nhân suy thận, về nhà được gia đình chăm sóc ngày nào cũng vắt nước cam cho uống kết quả bệnh nhân ngừng tim và qua đời.
Kali đại kỵ cho bệnh nhân suy thận
Theo bác sĩ Luận kali không có lỗi, thiếu Kali và thừa Kali bệnh cảnh nguy hiểm như nhau. Không chỉ riêng với măng cụt, chuối…mà bình thường trong rau quả, thảo mộc rất nhiều Kali và cơ thể sẽ được hấp thu và đào thải hợp lý khi thận bình thường.
Nhiều trái cây giàu kali không tốt cho bệnh nhân chạy thận |
Nhưng khi thận suy, không đào thải được, thì Kali tăng trong máu sẽ gây nên hội chứng Kali máu cao. Có thể ngừng tim dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bình thường, lượng kali trong máu dao động trong khoảng từ 3.5 - 4.5mmol/l và được thận điều chỉnh đào thải ra ngoài rất nhanh qua nước tiểu nếu lượng kali từ thức ăn đưa vào quá nhiều.
Trong suy thận, suy thận ở mức độ 1, 2,3, 4 thận vẫn có thể đào thải được kali. Ở người suy thận giai đoạn cuối (giai đoạn 5 phải chạy thận lọc máu chu kỳ), chức năng đào thải kali của thận gần như bằng không nên nguy cơ tăng kali máu luôn luôn hiện hữu và khi kali máu tăng cao, bệnh nhân có thể tử vong do loạn nhịp tim.
Lúc này, các thức ăn nhiều kali bao gồm các loại quả như chuối, đu đủ, vải, măng cụt và một số loại thực phẩm đóng hộp. Một số loại sữa cũng có ghi rõ lượng kali trên nhãn mác và người bị suy thận có thể tham khảo trước khi dùng…
Các loại rau xanh, trái cây, thuốc nam, lá lẻo nào cũng được khuyến cáo hết sức cẩn trọng vì có thể làm tăng kali máu. TS Luận cho biết, trong chuyên ngành thận nhân tạo các bác sĩ thường đưa ra công thức suy thận giai đoạn cuối + thuốc lá = tử vong là vì tăng kali
Tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều hiểu được nguy cơ tăng kali máu nguy hiểm như thế nào và họ cần có chế độ ăn phù hợp không gây nguy hiểm cho mình.
Với nhiều trường hợp có thể bệnh nhân quên hoặc chưa được bác sĩ tư vấn vẫn có thể xảy ra việc "ăn quá đà". Khi đó, bệnh nhân chỉ thấy cảm giác yếu cơ, liệt cơ, đau mỏi các bắp chân, bắp tay, dị cảm, chuột rút, buồn nôn, nôn.
Các triệu chứng tim mạch luôn có và là biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có cảm giác đánh trống ngực, nhịp tim bị bỏ nhịp, nặng hơn sẽ có tụt huyết áp. Khi đó người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế cấp cứu để được lọc máu gấp. Nếu lọc máu kịp thời sẽ hết tăng kali máu còn chậm gây ngừng tim.
Đối với người bị suy thận mãn các loại thực phẩm có thể làm tăng kali máu như nho khô, chuối khô, thanh long, bơ,…cần hạn chế.
Các loại rau có lá màu xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống,…), nấm mèo, các loại đậu cũng không tốt cho người bị suy thận. Thực phẩm có nhiều phốt-pho như: tôm khô, lòng đỏ trứng, lá lốt, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò,…