Air Mekong - Hãng hàng không "đã chết" vẫn còn nợ xấu tại ACV
Hãng hàng không Air Mekong. |
Ngừng bay từ tháng 3/2013, chính thức bị thu hồi giấy phép từ năm 2015 nhưng đến nay các chủ nợ của hãng hàng không tư nhân thứ ba tại Việt Nam - Air Mekong vẫn không thể thu hồi được các khoản nợ của đơn vị này, buộc phải đưa vào nhóm nợ xấu.
Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý II/2017 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Air Mekong còn nợ đơn vị này 25,9 tỷ đồng. Khoản nợ này được đưa vào bảng nợ xấu của ACV và không có dấu hiệu thay đổi so với con số đầu năm nay.
Tổng nợ xấu tại ACV tính đến thời điểm 30/6 là 30,2 tỷ đồng, trong đó nợ của Air Mekong đã chiếm gần 86%.
Ngoài ra, còn hai hãng hàng không khác cũng đang nợ ACV tổng cộng 3,3 tỷ đồng. Đó là hãng SW Italia Spa và Transaero Airlines. Hãng SW Italia Spa nợ 634 triệu đồng, đã giảm một nửa so với con số hồi đầu năm. Cũng tương tự Air Mekong, khoản nợ 2,6 tỷ đồng của Transaero Airlines không có dấu hiệu thay đổi so với con số từ 1/1.
Hãng hàng không Air Mekong là hãng thư nhân thứ ba tại Việt Nam được cấp phép (sau Vietjet Air và hãng hàng không Tăng Tốc). Chủ sở hữu của Air Mekong là tập đoàn BIM do ông Đoàn Quốc Việt đứng đầu.
Hãng thành lập từ tháng 10/2008, chính thức bay chuyến đầu tiên vào tháng 10/2010.
Đến cuối năm 2013, Air Mekong công bố ngừng bay do thua lỗ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sứ mệnh của đội máy bay 4 chiếc Bombardier CRJ900 của Air Mekong tại Việt Nam thực ra đã kết thúc vào 0 giờ ngày 2/12/2012, khi Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đưa vào hoạt động.
Air Mekong được biết đến với lợi thế chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 có dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển và đặt căn cứ tại sân bay Phú Quốc.
Khi sân bay quốc tế Phú Quốc đón được các loại máy bay B747-400 và tương đương trở xuống, Air Mekong đã đánh mất chút lợi thế cuối cùng trên đường bay thẳng dài nhất Việt Nam từ Hà Nội tới Phú Quốc.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, chỉ trong trong hai năm hoạt động, Air Mekong đã ngốn khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng, vượt quá sức chịu đựng của BIM, dù công ty mẹ đã lên kế hoạch lỗ trong vòng 3 năm đầu hoạt động.