Ai cứu được Qatar?
Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên phải hiểu bản chất thực sự của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện tại là như thế nào, vì sao nó lại xảy ra và Qatar sẽ phải đối đầu với những vấn đề gì?
Nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng vùng Vịnh
Trong tất cả các tuyên bố của 10 quốc gia đóng băng quan hệ với Qatar có một điểm chung lớn nhất, đó là việc họ đổ lỗi cho Doha đã tài trợ cho khủng bố, tổ chức khủng bố.
Giới truyền thông ở các quốc gia vùng Vịnh thay nhau đưa tin và nhận định Qatar đang cố tình “bênh vực” Iran dù đất nước này đang hậu thuẫn các nhóm khủng bố đang tung hoành trong khu vực, cụ thể là Tổ chức Hamas - Palestine và Hezbollah - Lebanon, hai tổ chức này đều do Iran hậu thuẫn.
Mặc dù Doha bác bỏ những thông tin trên và cho rằng các tờ báo của Qatar bị hacker tấn công nhưng bấy nhiêu cũng không đủ để Ả Rập Xê-út, nước đi đầu trong nhóm các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập Qatar, cảm thấy hài lòng.
Sau nhiều ngày bị trống rỗng, các kệ hàng hóa tại các siêu thị ở Doha đã được lấp đầy thực phẩm được nhập khẩu từ Iran và các quốc gia mở rộng kinh doanh với Qatar hậu khủng hoảng vùng Vịnh. |
Thực tế, nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo sâu sắc, lâu đời giữa người Hồi giáo (dòng Shiite thân Iran và dòng Sunni với sự ủng hộ của Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ…).
Mâu thuẫn được đẩy lên cao vào năm 2016, khi quan hệ giữa Qatar với các nước vùng cáo buộc Qatar ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Khi đó, chính quyền Doha đã phủ nhận tài trợ cho các nhóm cực đoan, nhưng tuyên bố ủng hộ tài chính cho nhóm Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza và cho phép một số quan chức cao cấp Hamas sống lưu vong tại nước này từ năm 2012.
Đến đầu năm nay, khi nhận thấy mình "mất dấu ấn" ở Syria, Qatar lập tức tăng cường các nỗ lực kết nối với phong trào Anh em Hồi giáo và các nhánh của tổ chức này ở khu vực, trong đó có Hamas. Không dừng ở đó, Qatar còn tiếp tục nỗ lực tạo dựng quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ phiến quân Houthi tại Yemen và thử nghiệm kết nối với Hezbollah.
Hành động này đã khiến Ả Rập Xê-út, UAE tức giận vì cả hai nước này đang tìm mọi cách triệt tiêu ảnh hưởng của Anh em Hồi giáo...
Ai đang ra tay “cứu” Qatar
Có thể thấy rõ, Iran sẽ là quốc gia song hành với Qatar nhiều nhất từ khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra. Những chuyến máy bay chở các nhu yếu phẩm từ Iran đã xuất phát trong ngày 11/6. Iran cũng đã mở cửa bầu trời cho phép hơn 100 chuyến bay đi và đến Qatar mỗi ngày. Trong một diễn biến khác, Iran cũng đã cử một đội tàu chiến tới Oman và sau đó sẽ đi vào hải phận quốc tế ở phía Bắc Ấn Độ Dương và vịnh Aden. Hãng tin Tasmin cho hay hạm đội tàu chiến này nằm trong cam kết chống nạn cướp biển quốc tế của Iran và không đề cập đến căng thẳng của các nước Ả Rập với Qatar.
Trước đó, trong ngày 11/6, hãng RT đưa tin cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Qatar sau khi Ả Rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với vương quốc này với lý do tài trợ khủng bố. Cùng ngày hôm đó, Tổng thống Erdogan đã ký quyết định cho phép triển khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cùng các loại vũ khí hạng nặng tới Qatar, đồng thời đồng ý huấn luyện cho lực lượng cảnh sát Qatar.
Không chỉ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, một loạt các nước lớn đang tích cực tận dụng cơ hội để tăng cường quan hệ với Qatar và sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải căng thẳng. Ngay trong thời điểm lệnh ngăn chặn các tuyến giao thông với Qatar của Ả Rập Xê-út có hiệu lực, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Quốc vương Qatar để bàn về việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại. Nhiều lãnh đạo từ các nước khác như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập tức lên tiếng kêu gọi hòa giải và sẵn sàng thể hiện vai trò.
Qatar phải tự cứu lấy mình
Vốn dĩ một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng giữa các nước trong khu vực sẽ không đem lại lợi ích cho Qatar, và người dân sẽ là nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia “tẩy chay” và các quốc gia đang ra sức hỗ trợ Doha giải quyết mâu thuẫn đều có những toan tính của riêng mình. Giới chuyên gia còn nhận định, với vai trò địa chính trị của mình, cuộc khủng hoảng chính trị ở Qatar đang thực sự mang lại lợi ích bất ngờ cho một số quốc gia trong khu vực.
Vì thế, những quốc gia này sẽ “bẻ lái” cuộc khủng hoảng theo hướng có lợi cho họ, và Qatar sẽ buộc phải “ngã giá” cuộc chơi theo hướng ít thiệt hại nhất cho mình. Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế và lợi thế địa chính trị, Qatar có nhiều hơn 2 chiếc áo giáp để tự bảo vệ mình.
Bất chấp khủng hoảng, mới đây, Qatar Airlines - một trong những công ty bị ảnh hưởng lớn nhất - tuyên bố tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa. |
Kênh truyền hình CNBC hôm 11/6 trích dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al Emadi cho biết, Doha không phải là kẻ thất bại duy nhất trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. "Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi là nước thua cuộc duy nhất trong trường hợp này... Nếu chúng tôi mất mất một đồng đô la, họ cũng sẽ mất một đồng đô la", ông Emadi cho biết.
Nền kinh tế Qatar phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm từ các nước láng giềng. Tuy nhiên, ông Al Emadi đã nhanh chóng bác bỏ những lo ngại này. Sau cuộc khủng hoảng, Doha đã nhanh chóng tìm những đối tác mới thế chân những nước đã tẩy chay họ.
“Chúng tôi đảm bảo rằng thậm chí chúng tôi sẽ có những nguồn cung cấp phong phú hơn cả trước kia”, Bộ trưởng Tài chính Qatar nhấn mạnh. Ông còn thêm rằng, quỹ dự trữ và đầu tư của Qatar gấp 250% GDP, vì thế ông tin rằng người dân nước ông không cần phải quá lo lắng về việc duy trì nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày của họ.
“Chúng tôi vẫn là một quốc gia hạng AA, xếp thứ 20 – 25 trên toàn cầu. Vì vậy, tôi nghĩ chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn so với một số quốc gia khác quanh mình… Qatar luôn mở rộng chào đón kinh doanh. Chúng tôi có những gì cần thiết để bảo vệ nếu chúng tôi cần phải làm gì đó”.
Thêm vào đó, Qatar còn có vị trí địa lý quan trọng khiến các quốc gia vốn đóng băng quan hệ với mình buộc phải e dè. Do nhận được sự hậu thuẫn của Iran, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Qatar hiện chưa bị ảnh hưởng. Các tàu chở dầu của Qatar vẫn dễ dàng đi qua vùng biển của Iran, sau đó đi qua eo biển Hormuz bằng tuyến hàng hải qua lãnh thổ Oman. Mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Qatar trải dài đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chừng nào Iran còn giúp đỡ Qatar thì mạng lưới vận chuyển dầu mỏ sang các thị trường lớn của châu Á nói trên vẫn duy trì và kinh tế của quốc gia này sẽ không bị ảnh hưởng.
Tờ Bloomberg mới đây nhận định, UAE mới là nước cần đến Qatar, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và dầu mỏ. Qatar là nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ ba thế giới. Nước này vận chuyển khoảng 2 tỷ mét khối nhiên liệu thông qua đường ống Dolphin dài 364km dưới biển tới UAE. UAE cần nhiên liệu từ Qatar để tạo ra sản lượng điện bằng một nửa nhu cầu của quốc gia này.
Điều này có nghĩa ván bài mà Qatar có thể trả đũa UAE là rất dễ hình dung. Trong khi UAE có khá ít lựa chọn để thay thế đường ống dẫn khí Dolphin của Qatar trong ngắn hạn, việc Doha chọn giải pháp dầu mỏ đối với UAE sẽ là một lá bài hiểm của quốc gia giàu có này đang sở hữu.