Ai cũng có thể kinh doanh lữ hành quốc tế, và “cái kết” đắng lòng!

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp, xin cấp giấy phép lữ hành quốc tế và đi vào hoạt động. Nhưng cũng từ đó đang nảy sinh những bất cập, hệ lụy về nhiều mặt!

Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang phải đối mặt với tình trạng “tour giá rẻ”, “tour 0 đồng” là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều hệ lụy.

Các công ty lữ hành quốc tế đón khách nước ngoài đến Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Nổi lên là những ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thất thu thuế… và nhiều vấn đề khác. Trong khi đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn, và điều oái ăm là không ít khó khăn lại nảy sinh từ những bất cập của các quy định luật pháp hiện hành.

Ai cũng có thể kinh doanh lữ hành quốc tế

Ngày 19/12, trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện việc thành lập doanh nghiệp (DN) nói chung, DN kinh doanh lữ hành quốc tế nói riêng, rất đơn giản. Theo Luật DN, chỉ cần nộp hồ sơ (Giấy đề nghị đăng ký DN, điều lệ công ty, danh sách thành viên/cổ đông, giấy CMND, quyết định thành lập công ty) đến Sở KH-ĐT và trong 03 ngày là được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh.

Đồng thời điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng rất đơn giản. DN nộp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 32 Luật Du lịch (đơn đề nghị cấp giấy phép lữ hành quốc tế, bản sao giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ký quỹ 250 hoặc 500 triệu đồng, bản sao quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động và văn bằng chứng chỉ của người phụ trách lữ hành) và nộp hồ sơ cho Tổng cục Du lịch trong vòng 10 ngày là được cấp giấy phép.

“Việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế hiện nay không xem xét tiềm lực tài chính, năng lực kinh doanh thực tế của DN. Và chính vì việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế khá dễ dàng như vậy nên mọi tổ chức, cá nhân đều có thể thành lập DN, xin cấp giấy phép lữ hành quốc tế và đi vào hoạt động kinh doanh!” – Bà Trương Thị Hồng Hành nói.

Mặt khác, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, theo quy định của luật hiện hành, ngoài việc thành lập DN để hoạt động kinh doanh lữ hành, các tổ chức, cá nhân còn có thể hoạt động kinh doanh lữ hành dưới hình thức đăng ký thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh thuộc công ty lữ hành (đã có giấy phép lữ hành).

Theo Luật Du lịch 2017 và các quy định khác, hoạt động của chi nhánh, địa điểm kinh doanh không cần phải duy trì bất cứ điều kiện nào. Vì thế các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của công ty lữ hành được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi như một DN lữ hành, theo phạm vi đăng ký của Công ty mẹ.

Và hàng loạt bất cập nảy sinh

“Quy định nêu trên dẫn tới bất cập hiện nay là những người muốn hoạt động kinh doanh lữ hành có 02 cách. Cách thứ nhất, thành lập DN thì phải xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và phải duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Du lịch. Cách thứ hai, thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì không cần xin giấy phép và cũng không cần phải duy trì các điều kiện tại Điều 31 Luật Du lịch.

Từ đó phát sinh vấn đề nếu phát hiện chi nhánh đóng dấu chương trình cho tổ chức, cá nhân khác hoạt động lữ hành thì không có chế tài xử phạt về hành vi cho tổ chức, cá nhân khác mượn tư cách pháp nhân (theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 22/5/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch), do Chi nhánh, địa điểm kinh doanh hoạt động theo ủy quyền, không có pháp nhân!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết.

Cùng với đó, qua kiểm tra, Sở Du lịch Đà Nẵng còn phát hiện nhiều vấn đề phát sinh khác nữa. Đó là khi một Công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành thì theo Luật DN cho phép công ty đó được thành lập 01 hoặc nhiều chi nhánh, địa điểm kinh doanh đặt tại địa bàn đăng ký công ty và tại các địa phương khác. Không ít tổ chức, cá nhân đã vận dụng điểm này để “núp” vào các chi nhánh, địa điểm doanh để hoạt động kinh doanh lữ hành.

Vấn đề phát sinh tiếp theo là việc đặt phòng khách sạn hiện rất dễ dàng, các đơn vị lữ hành nước ngoài hoặc cá nhân người Việt Nam có thể đặt phòng trực tiếp với khách sạn mà không cần thông qua DN lữ hành quốc tế tại Việt Nam. Trong khi đó, chính sách giá của các cơ sở lưu trú là khách đặt phòng số lượng càng nhiều thì càng nhận được giá ưu đãi mà không phân biệt đó là cá nhân đặt phòng hay doanh nghiệp lữ hành đặt phòng.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói: “Việc cho cá nhân đặt phòng số lượng lớn với giá ưu đãi đã góp phần tiếp tay cho hoạt động lữ hành trái phép; đồng thời tiếp tay cho các khách sạn trốn thuế (do những cá nhân này không cần lấy hóa đơn). Việc truy tìm để xử lý cá nhân đặt phòng này cũng rất khó khăn do hiện nay sử dụng mạng xã hội để đặt phòng và thanh toán vào tài khoản cá nhân!”.

Quản lý người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động du lịch quá nhiều kẻ hở

Đối với người nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nói riêng, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, theo quy định hiện hành của Luật DN và Luật Đầu tư, khi các DN có đầy đủ giấy tờ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành quốc tế thì có quyền hoạt động kinh doanh lữ hành quốc theo quy định pháp luật Việt Nam. Có nghĩa nhà đầu tư khi đó kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, hiện Đà Nẵng có khá nhiều công ty lữ hành quốc tế do người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật, như Công ty TNHH MTV DL Ha Ha, Công ty TNHH Totobooking, Công ty TNHH Dooriga Marketing, Công ty CP Sun Danang International, Công ty TNHH Quốc tế Tour Vietnam, Công ty TNHH TM&DV One tour Việt Hàn, Công ty TNHH Bảo Sen Vỹ...

“Tuy nhiên trên thực tế vẫn có không ít trường hợp người nước ngoài thuê cá nhân Việt Nam đứng tên để hoạt động kinh doanh. Việc quản lý DN lữ hành nói chung và các trường hợp này nói riêng phải là sự chung tay của các ngành có liên quan chứ chỉ ngành Du lịch thì khó có thể kiểm soát được!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.

Theo đó, hiện có nhiều cơ quan theo thẩm quyền có chức năng quản lý hoạt động đối với các DN du lịch. Như Sở Du lịch quản lý hoạt động kinh doanh các DN lữ hành về các nghiệp vụ của ngành du lịch; cơ quan thuế quản lý về kê khai nộp thuế; cơ quan xuất nhập cảnh quản lý về hoạt động người nước ngoài; Sở LĐ-TB&XH quản lý về lao động nước ngoài tại các DN lữ hành…

Cũng theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh và lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất và chặt chẽ. Trong đó nổi lên việc cấp thị thực nhập cảnh DN 3 tháng cho người nước ngoài vào làm việc, sau đó tiếp tục gia hạn 3 tháng, rồi lại tiếp tục gia hạn 3 tháng (cho hết 1 năm).

“Nhiều người nước ngoài vào nước ta hoạt động kinh doanh du lịch theo cách thức này nhưng không có giấy phép lao động. Đồng thời văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh chưa quy định công việc cụ thể được phép thực hiện đối với người nước ngoài khi sử dụng thị thực DN nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy người nước ngoài dễ dàng nhập cảnh dưới hình thức chuyên gia, hỗ trợ tư vấn để hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn trái phép.

Cùng với đó, các văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát của DN bảo lãnh thực hiện thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy việc xử lý đối với DN bảo lãnh để người nước ngoài vi phạm chưa nghiêm, chưa tạo được tính răn đe!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Cấp phép và quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều kẻ hở

Đồng tình với nhận định trên, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ, việc cấp phép và quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều bất cập và kẻ hở; trong đó có tình trạng người nước ngoài lách luật bằng hình thức tham gia góp vốn vào công ty TNHH đóng tại Việt Nam với mức vốn góp rất ít để được xếp vào trường hợp không thuộc diện cấp phép lao động.

“Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý hoạt động của các đối tượng này trên địa bàn TP!” – Bà Cao Thị Huyền Trân nói. Cùng với đó, ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho hay, vấn đề cử tri TP quan tâm hiện nay là tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật có xu hương tăng cao và đa dạng về hành vi vi phạm, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đáng lưu ý, có tình trạng người nước ngoài núp bóng dưới hình thức kinh doanh bất động sản; nhiều đối tượng người nước ngoài trốn nã chọn địa bàn TP Đà Nẵng để ẩn náu và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có đối tượng chỉ được phát hiện khi đã sử dụng ma túy. Trong khi đó công tác quản lý, kiểm soát người nước ngoài lưu trú tại các căn hộ condotel bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 11, trên địa bàn Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 556 người nước ngoài (tăng 279 trường hợp, bắt giữ 09 đối tượng truy nã quốc tế) vi phạm về các hành vi: tổ chức đánh bạc, nhập cảnh hoạt động sai mục đích, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối an ninh trật tự, cướp tài sản, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, thao túng chứng khoán, sản xuất phim ảnh đồi trụy…

HẢI CHÂU
Từ khóa: Đà Nẵng doanh nghiệp lữ hành quốc tế Trung Quốc Hàn Quốc luật du lịch

Căn hộ Sun Urban City Hà Nam: không gian sống sáng tạo, thông minh

Thiết kế thông minh, tối ưu trải nghiệm, căn hộ nghệ thuật Art Residence tại Sun Urban City Hà Nam không chỉ chinh phục khách hàng mọi lứa tuổi, mà còn được ví như một “biểu tượng” của sự sáng tạo và tối ưu không gian sống.

Dư âm sự kiện ‘Kỷ nguyên vươn mình - Hành trình rực rỡ’ của Sun Property

Diễn ra từ 9-11/12, chuỗi sự kiện “Kỷ nguyên vươn mình - Hành trình rực rỡ” được Sun Property (thành viên Sun Group) tổ chức để tri ân các đại lý trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.

Bỏ việc lương cao, chàng trai về quê nuôi hươu thu 600 triệu đồng mỗi năm

Nghỉ việc lương cao ở Nhật Bản để về quê nuôi hươu lấy nhung, chàng trai 9x có thu nhập hơn 600 triệu đồng mỗi năm.

Đô thị Sun Group tại Hà Nam - tái định nghĩa lại khái niệm ‘ngôi nhà’ hiện đại

Trần cao mọi căn hộ lên đến 5m, cửa kính “khổng lồ” 4m, công năng tối ưu đến từng chi tiết … là một phần trong “từ điển vị nhân sinh” tại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City Phủ Lý, Hà Nam.

Cách SHB truyền cảm hứng cho thế hệ nhân sự tương lai

Thế hệ trẻ có xu hướng tìm kiếm môi trường làm việc hiện đại, linh hoạt, có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Hiểu được điều đó, SHB đang nỗ lực để tạo ra một môi trường làm việc “không giới hạn”, hướng tới xây dựng mô hình ngân hàng tương lai.

Vinamilk liên tục được gọi tên tại các giải thưởng về phát triển bền vững

Cam kết mạnh mẽ hướng đến mục tiêu Net Zero 2050 đã giúp Vinamilk lan tỏa tinh thần phát triển bền vững đến cộng đồng doanh nghiệp. Cũng vì vậy mà cái tên Vinamilk liên tiếp được xướng lên tại các giải thưởng về ESG, phát triển bền vững vừa qua.

Vinamilk - hành trình ấn tượng 16 năm liền là Thương hiệu Quốc gia

Vinamilk tiếp tục được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024, viết tiếp một hành trình đặc biệt và khác biệt của doanh nghiệp sữa Việt duy nhất giữ vững danh vị này trong 16 năm liên tiếp.

Thế mạnh Việt thu về 3,6 tỷ USD, thế 'vô địch' tại thị trường Mỹ

Một thế mạnh của Việt Nam đang chiếm lĩnh tại thị trường Mỹ, chiếm gần 89,4% tổng giá trị nhập khẩu của quốc gia này. Nước ta cũng đã thu về gần 3,6 tỷ USD trong 10 tháng qua.

Thị trường bất động sản Thủ đô sẵn sàng bước vào chu kì mới

Chu kì mới của thị trường bất động sản dần khởi động với sự trỗi dậy của những địa hạt đầu tư mới. Tại Hà Nội, sự khởi sắc của thị trường đang gọi tên điểm đến mới của dòng tiền: khu vực đông bắc Thủ đô.

Đặc quyền độc nhất chỉ có tại 2 tòa phức hợp đa tiện ích The Sola Park

Sở hữu loạt tiện ích đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh sống - làm việc - giải trí trong 1 tòa tháp, đảm bảo an ninh an cư - đó là những đặc quyền chỉ có tại 2 tòa phức hợp The Avenue và The Sky, thuộc dự án The Sola Park.