9 loài động vật quý hiếm của Việt Nam đã tuyệt chủng
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng được giới thiệu về tiềm năng đa dạng sinh học của TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Ông Nguyễn Thế Đồng cho hay, Việt Nam được Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) công nhận 3 trong số 200 vùng sinh thái toàn cầu, là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học cao. Hệ sinh thái ở Việt Nam rất đa dạng với khoảng 100 kiểu, ở những vùng địa lý không lớn nhưng có rất nhiều kiểu hệ sinh thái.
Cuộc triển lãm "Đa dạng sinh học TP Đà Nẵng lần thứ 1" thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, công chức |
"Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 đã ghi nhận có gần 14.000 loài thực vật và 11.000 loài động vật trên cạn, trong đó có nhiều loài đặc hữu nhưng đang trong tình trạng nguy cấp. Số loài bị đe doạ không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về mức độ. Và đến năm 2010, cả nước đã có 9 loài động vật được xem là tuyệt chủng ngoài tự nhiên, như tê giác hai sừa, bò xám, heo vòi... Nhiều loài thực vật quý cũng đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, là điều mà trước đây chưa hề có" - ông Nguyễn Thế Đồng nói.
và các em học sinh, sinh viên |
Theo ông, nguyên nhân chính của tình trạng trên là việc chuyển đổi sử dụng đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức và sử dụng không bền vững tài nguyên sinh vật; tình trạng ô nhiễm môi trường, cháy rừng và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác quản lý đa dạng sinh học, cộng với sự du nhập các giống mới và các sinh vật ngoại lai.
Các em học sinh ghi lại hình ảnh của voọc chà vá chân đỏ, báu vật của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, được mệnh danh là "Nữ hoàng linh trưởng" |
"Chúng ta đều biết tài nguyên sinh học là có giới hạn. Chúng ta đang khai thác vượt quá những giới hạn này, do đó đang làm giảm tính đa dạng sinh học. Các hoạt động của con người đang ngày càng làm suy giảm khả năng chu cấp của thiên nhiên. Chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều từ thiên nhiên. Vì vậy, đã đến lúc phải có sự thay đổi triệt để trong mối quan hệ giữa con người và tài nguyên sinh học, bởi bảo vệ đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia cũng như hạn chế các tác động của biến khí hậu," ông Nguyễn Thế Đồng cũng nhấn mạnh.
và quần thể đào chuông, hồng điệp được xem là biểu tượng của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa |
Và đó cũng là lý do để lãnh đạo Tổng cục Môi trường đánh giá cao những nỗ lực của Đà Nẵng - đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức triển lãm về đa dạng sinh học (kéo dài từ nay đến ngày 5/6), nhằm truyền thông giáo dục cộng đồng thực hiện tốt Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Lễ khai mạc triển lãm đã thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan hữu quan ở TƯ, TP Đà Nẵng và các địa phương bạn, các tổ chức quốc tế và gần 500 cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, kiểm lâm viên và thanh niên, học sinh, sinh viên đến dự.
Các bạn sinh viên tỏ ra rất quan tâm đến những thành tựu trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học ở Đà Nẵng |
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu, cuộc triển lãm được thể hiện theo 5 chủ đề: Đa dạng sinh học rừng; Đa dạng sinh học biển; Đa dạng cảnh quan và nông nghiệp; Giáo dục và truyền thông về đa dạng sinh học; Sinh vật cảnh Đà Nẵng. Thông qua tranh, ảnh, tiêu bản và các ấn phẩm được trưng bày, cuộc triển lãm giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học cấp loài, gen và cảnh quan ở Đà Nẵng, những loài có giá trị sinh học và kinh tế cao phục vụ du lịch và bảo tồn. Từ đó cảnh báo mức độ nguy cấp của một số loài đặc hữu đang có nguy cơ bị đe doạ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ giá trị đa dạng sinh học của TP.
Nhiều người tỏ ra khá xốc trước hình ảnh những con voọc chà vá bị giết nấu cao và những chú khỉ bị bắt đem bán |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, tuy có những nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy đa dạng sinh học ở Đà Nẵng cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước là tiếp tục bị đe doạ. Các khu bảo tồn thiên nhiên của TP với những sinh cảnh đặc trưng, nhiều loài động thực vật và nguồn gen tiêu biểu toàn cầu đang trong tình trạng nguy cấp.
Các em học sinh cũng cùng chung tâm trạng trước hình ảnh về những chiếc bẫy mà những người săn trộm vẫn dùng để săn bắn trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà |
"Hơn bao giờ hết, việc bảo vệ đa dạng sinh học đã trở thành mục tiêu quan trọng. Nếu giữ nguyên vẹn các sinh cảnh, giá trị sinh học sẽ đảm bảo cân bằng sinh thái, là nền tảng để đạt được phát triển bền vững, mà cụ thể là giúp Đà Nẵng sớm đạt mục tiêu xây dựng "TP môi trường" vào năm 2020, bởi chúng ta đã xác định bảo tồn đa dạng sinh học là nội dung không thể tách rời trong quá trình xây dựng "TP môi trường". Do vậy, bảo vệ đa dạng sinh học đã trở nên cấp thiết với toàn bộ hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi người" - ông Phùng Tấn Viết nói.
Nhiều em rất quan tâm những hình cán bộ kiểm lâm Đà Nẵng thả các động vật hoang dã còn khoẻ mạnh về rừng |
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho hay, ngoài cuộc triển lãm tại Đà Nẵng, ở cấp quốc gia, Bộ TN-MT còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuần lễ kỷ niệm "Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5" với các sự kiện, hoạt động nổi bật như cuộc thi ảnh và logo với chủ đề "Đa dạng sinh học Việt Nam", biểu diễn múa rối nước với chủ đề bảo vệ nguồn nước và các loài sinh vật, dự Diễn đàn hợp tác về đa dạng sinh học, tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đa dạng sinh học.