9 kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP.HCM gửi ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP nghe các doanh nghiệp phát biểu trong buổi làm việc. |
Có thể xem đây là cuộc đối thoại trực tiếp quy mô nhất giữa lãnh đạo Thành phố (TP) với các công ty BĐS đang hoạt động tại đây kể từ đầu năm đến nay.
Cùng dự buổi làm việc có ông Lê Văn Khoa – Phó chủ tịch UBND TP và gần 10 sở ngành liên quan, trong khi phía doanh nghiệp cũng góp mặt những đại diện lớn của lĩnh vực BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã thay mặt các doanh nghiệp gửi tới lãnh đạo TP 9 kiến nghị mà theo ông là trong bối cảnh "thị trường BĐS năm 2016 có xu thế chững lại, và vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn".
Thứ nhất, về tiền sử dụng đất Hiệp hội cho rằng đây đang là "gánh nặng" của doanh nghiệp và người tiêu dùng, là "ẩn số", không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư, và đã tạo ra cơ chế "xin - cho".
Theo đó cần thay đổi điều này bằng cách coi đây là một sắc thuế, tuy nhiên Hiệp hội cho rằng việc này chỉ có thể được giải quyết trong trung hạn, dài hạn vì cần phải được Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Cũng theo Hiệp hội, khâu thẩm định số tiền sử dụng đất phải nộp cũng chính là mảnh đất béo bở, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nên TP cần giám sát, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ.
Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai để áp dụng chế độ sử dụng đất ổn định lâu dài đối với các dự án, các công trình trong đô thị do nhà đầu tư trong nước thực hiện.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. |
Thứ ba, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho UBND TP.HCM xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn Thành phố, thay vì phải trình Chính phủ từng dự án.
Hiệp hội cũng mong Thủ tướng ủy quyền cho TP xem xét, quyết định chỉ định thầu đối với nhà đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị; xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ…trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; có khả năng thực hiện thu xếp vốn.
Thứ tư, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng, Bộ Xây dựng ủy quyền cho xem xét quyết định phê duyệt tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn, không phân biệt quy mô.
Thứ năm, về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng (không giới hạn đến ngày 31/12/2016 như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước).
Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016.
Bất động sản Quận 2 |
Thứ sáu, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận tiêu chuẩn diện tích tối thiểu của nhà ở thương mại ở mức 25m2/căn hộ. Theo Hiệp hội, để tránh trường hợp quy định này bị lạm dụng thì cần có quy hoạch chi tiết tại từng quận, huyện để giải quyết nhu cầu của cư dân.
Thứ bảy, Hiệp hội đề nghị TP xem xét, chỉ đạo cho cấp sổ đỏ đối với người mua nhà đã nhận bàn giao nhà và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng với chủ đầu tư. Hiệp hội cho rằng người mua nhà là bên ngay tình và đã hoàn thành nghĩa vụ và trước hết là không để cho họ bị đuổi ra khỏi nhà, còn việc tranh chấp về khoản vay tín dụng có tài sản bảo đảm giữa chủ đầu tư và ngân hàng do hai bên tự giải quyết, hoặc đưa ra tòa án giải quyết.
Thứ tám, về bảo lãnh ngân hàng trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Hiệp hội đề nghị, khi có dự án nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư có thể mở bán, huy động vốn của khách hàng. Số tiền của khách hàng được chuyển vào tài khoản đóng của chính khách hàng tại ngân hàng và số tiền này chủ đầu tư không được sử dụng, lãi phát sinh thì chủ tài khoản được hưởng.
Khi đã có được đến khoảng 50-60% tổng số khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ thì chủ đầu tư được khởi công xây dựng. Số tiền ứng trước của khách hàng được coi là số tiền đảm bảo để ngân hàng cho chủ đầu tư vay thực hiện dự án và ngân hàng giám sát chặt chẽ việc sử dụng số tiền này đúng mục đích.
Thứ chín, về thủ tục hành chính Hiệp hội cho rằng hiện phức tạp, nhiêu khê, nhũng nhiễu, không tạo ra GDP, không tạo ra nguồn thu ngân sách, làm ức chế sự sáng tạo, năng động của chủ đầu tư, làm đọng vốn, làm tăng nợ xấu, và làm giảm đi thậm chí mất cơ hội kinh doanh. Do đó Hiệp hội kiến nghị Trung ương "cởi trói" bằng một cơ chế vận hành mới và TP cũng phải tự "cởi trói" những rào cản và hạn chế do chính mình đặt ra với "tinh thần phục vụ" dân và doanh nghiệp.
Đáp lại, ông Thăng và lãnh đạo TP, sở ngành đã ghi nhận và khẳng định sẽ xử lý ngay những việc thuộc thẩm quyền, đối với những việc vược quá chức năng sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn.