8X làm giàu trên chính mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá
Chúng tôi tìm đến vườn cam nhà anh Khuê vào một buổi chiều đầy nắng đầu tháng Tư, khi anh đang tiến hành cắt tỉa cành để quang cây.
![]() |
Anh Khuê cắt tỉa cành cam để quang cây |
![]() |
Những cành cam được cắt tỉa cẩn thận |
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vườn cam, tạm gác công việc, lau giọt mồ hôi, anh không ngần ngại dẫn chúng tôi đi tham quan mảnh vườn rộng hàng nghìn mét vuông. Với nụ cười dễ mến và đôi mắt lấp lánh niềm vui, anh chia sẻ cho chúng tôi về quyết định “to gan” của mình.
Khởi nghiệp với số vốn 400 triệu đồng, anh Khuê táo bạo mua lại mảnh vườn trồng vải bỏ hoang toàn đất đồi và sỏi đá để phát triển kinh doanh nông nghiệp. Ban đầu mọi người đều nghi ngờ trước quyết định của anh, họ cho rằng, đất này thì không có hy vọng, đầu tư làm gì cho tốn công, tốn sức. Nhưng bằng ý chí và nỗ lực của bản thân, anh Khuê đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể.
Những ngày đầu, anh “lao tâm khổ tứ” thuê máy múc, máy cưa chặt toàn bộ gốc vải, kết hợp cải tạo đất bằng việc bón phân, mảnh vườn chết cũng từ đó trở nên hồi sinh.
Thông qua đọc báo và xem ti vi, anh nhận thấy, loại đất rừng rất thích hợp cho giống cam Vinh. Chính vì vậy, anh đã không ngần ngại bắt tay thử nghiệm và cố gắng từng ngày vun vén cho những mầm xanh.
Tuy nhiên, ông trời đôi lúc lại phụ lòng người, trong quá trình chăm sóc, nhiều cây cam của anh bị chết vì thối rễ. Không chịu từ bỏ, anh Khuê mày mò điều chỉnh cách bón phân, tưới nước, quang cây để cho giống cam Vinh phát triển tốt nhất trên mảnh vườn của mình.
![]() |
Vườn cam đang trên đà phát triển của anh Khuê |
Anh Khuê chia sẻ: “Cam một năm chỉ có một vụ, bắt đầu từ tháng 1 (âm lịch, có thể sớm hơn là tháng 12) đến trước khi thu hoạch tháng 10 (âm lịch). Đây là khoảng thời gian quan trọng để chăm sóc cho cây. Phải kết hợp bón phân chuồng, phân hóa học, nhưng lượng phân chuồng là chính, ngoài ra cần bón thêm kali để cam ngọt hơn. Mùa khô, cam cần phải được tưới nhiều nước”.
Sau 5 năm, những mầm xanh ngày nào đã trở thành những cây cam cứng cáp cho quả sai trĩu. Thậm chí, cam của anh đã trở thành thương hiệu của vùng, được nhiều nhà buôn biết đến.
Chị Hà Thị Hải Yến (một người buôn) cho hay: “Nghe mọi người bảo cam nhà anh Khuê ngon lắm, tôi cũng thử lặn lội đi xe máy đến đây để mua về bán, thấy bán cũng được, mọi người ăn khen ngon, thế là mỗi ngày tôi đều xuống lấy hàng, mỗi lần tôi lấy khoảng 1 tạ cam, cứ lấy ít về bán cho hết, hôm sau lại xuống lấy thì nó tươi, ngon hơn”.
Hiện tại, 600 cây cam đã cho anh Khuê thu nhập ổn định và thoát nghèo. Nhưng có ai biết rằng, để đạt được thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay, anh nông dân 8X đã phải làm việc quần quật không ngơi nghỉ. Ngày nào cũng như ngày nào, anh bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới kết thúc. Không những chăm lo cho vườn cam, anh còn kết hợp trồng thêm na và thanh long nhưng với số lượng ít hơn.
![]() |
Bên cạnh trồng cam là chính, anh còn trồng thêm thanh long |
Khi phóng viên hỏi, tại sao anh không trồng xen canh để mang lại hiệu quả kép, cho lợi nhuận kép cùng một lúc, anh Khuê cho hay: “Nếu vườn cam phát triển như thế này rồi, thì cứ chuyên tâm trồng cam thôi, với cả bây giờ nó khép tán hết cả rồi, chả xen được thêm cây gì nữa”.
5 năm ôm trong mình giấc mơ khởi nghiệp, anh Khuê là người đầu tiên đưa mô hình trồng cây cam Vinh trên mảnh đất Lục Dong đến với nhiều người hơn. Nhờ sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Khuê xứng đáng là tấm gương điển hình về người nông dân vươn lên trong nghèo khó trên chính mảnh đất quê hương.
Trưởng thôn Lục Dong, ông Bùi Xuân Thành (56 tuổi) cho hay: “Hai anh em Khuê-Phóng là người đầu tiên trồng cam ở thôn này và mô hình của hai anh em đã cho lợi nhuận cao. Và đó là sự cố gắng và nỗ lực tự thân của họ”.
Tuy nhiên, cũng như bao người nông dân khác, anh Khuê vẫn còn nỗi lo canh cánh về thị trường và đầu ra của sản phẩm. Anh ấp ủ hy vọng một ngày nào đó cam của mình sẽ có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và tạo được dấu ấn riêng.