80% nhà báo 'không thèm' kiểm chứng thông tin trước khi xuất bản
ING – tên gọi đầy đủ là Corporate Site of ING – là một tổ chức tài chính toàn cầu có nguồn gốc từ Hà Lan chuyên cung cấp tin tức, giải pháp quan hệ đầu tư và các thông tin chung về các tổ chức kinh tế, tài chính trên toàn thế giới.
Cuộc khảo sát về ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến báo chí của ING (ảnh: ING) |
Năm 2014, ING đã tổ chức một cuộc khảo sát trên 186 chuyên gia đầu ngành về Quan hệ công chúng (PR) và 165 nhà báo, biên tập viên và blogger cả của Hà Lan và các nhà báo quốc tế nhằm tìm ra những ảnh hưởng của mạng xã hội (MXH) đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngày nay.
Cuộc khảo sát đã đem về nhiều kết quả thú vị, trong đó điểm nổi bật nhất, chỉ có 1/5 nhà báo cho biết họ sẽ ưu tiên kiểm chứng sự thật trước khi xuất bản một tin tức, câu chuyện nào đó. Dưới đây là 3 kết quả quan trọng nhất từ bảng khảo sát của ING.
1. Nhà báo đang ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội
1/3 nhà báo nói rằng những bài đăng trên mạng xã hội không phải là một nguồn tin đáng tin cậy. Bất chấp điều đó, một nửa số nhà báo nói rằng mạng xã hội là nguồn chính để khai thác khi họ “làm báo”.
72% nhà báo cho biết, MXH là công cụ quan trọng đóng góp vào hiệu quả làm việc hàng ngày của họ. 56% nhà báo cho biết, họ không thể hoàn thành tốt công việc nếu không có MXH.
Cá biệt, có đến 1/4 số nhà báo được hỏi thú nhận rằng mình “không thể làm được gì” nếu không có mạng xã hội.
2. Chỉ 1/5 nhà báo coi trọng việc kiểm chứng thông tin trước khi xuất bản
Việc kiểm chứng thông tin ngày càng bị các nhà báo coi nhẹ. “Xuất bản trước, nếu có sai sót sẽ sửa sau” đang là phương châm tác nghiệp của các nhà báo hiện nay.
Chỉ có 20% nhà báo cho biết, họ luôn luôn kiểm chứng thông tin trước lúc bấm nút xuất bản bài viết. Trong khi đó, đa số nhà báo còn lại đều chọn xuất bản sớm nhất có thể, sai sót thì sẽ … sửa sau.
Các chuyên gia công chúng cũng nhấn mạnh rằng từ khi các nhà báo gia nhập sâu hơn vào cuộc chơi mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin đang ngày càng bị xem nhẹ hơn.
3. Nhà báo cảm thấy thoải mái hơn trong thời đại mạng xã hội
67% các nhà báo được hỏi cho biết họ có lối cư xử hoàn toàn khác biệt giữa những gì họ thể hiện trong các bài báo so với hình ảnh cá nhân của họ trên mạng xã hội.
Các nhà báo cho biết họ cảm thấy tự do hơn, thoải mái chia sẻ các ý kiến cá nhân trên MXH mà không bị ràng buộc bởi những quy tắc về đạo đức và nghiệp vụ báo chí, bất chấp những người theo dõi họ vẫn thường mong muốn nhận được những thông tin có vẻ “chính thống” hơn bình thường.
Mạng xã hội cũng đang đem đến nhiều thay đổi đáng kể trong quan điểm của nhà báo: nhiều nhà báo mong rằng báo chí sẽ được quyết định dựa trên số lần nhấp chuột và lượt xem trang hơn là nội dung.
Đối với nhiều người, nó có thể dẫn đến những hướng đi tiêu cực trong báo chí: làm tất cả chỉ để có thêm lượt xem độc giả.
Bài viết trên được lược dịch từ bản báo cáo trên trang ing.com và bài viết đánh giá của chuyên trang báo chí Potyer.com của Mỹ.