70% nhà báo từng bị xúc phạm trên mạng xã hội
Theo thống kê nghiên cứu bước đầu của nhóm các nhà nghiên cứu Truyền thông tại Đại học Central Lancashire, rất nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để xúc phạm hay thậm chí là đe dọa các phóng viên.
Theo Amy Binns, một giảng viên cao cấp tại trường Đại học Lancashire, cựu nhà báo của tờ Yorkshire Post, càng ngày càng có nhiều nhà báo đã bị xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội.
“Chúng tôi tập trung nghiên cứu các số liệu về các trường hợp nhà báo bị xúc phạm, mức độ nghiêm trọng của sự việc và cách họ giải quyết vấn đề khi bị xúc phạm cả trên phương diện cảm xúc và hành vi thực tế”, Amy Binns nói về nội dung của chương trình nghiên cứu.
Theo Amy Binns, nhà báo thường phải đối mặt với những người rất “nhạy cảm”, trong cuộc đời tác nghiệp kiểu gì cũng có những kinh nghiệm “cười ra nước mắt” nhớ đời nhưng hầu hết chuyện đó sẽ kết thúc ngay sau các cuộc gặp.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu của nhóm thì việc xúc phạm nhà báo trực tuyến lại thường diễn ra dai dẳng.
Nhiều nhà báo thường xuyên cảm thấy "rất buồn bã" và tức giận vị bị xúc phạm trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa) |
Bước đầu, đã có 87 nhà báo đã tiến hành trả lời khảo sát, hầu hết họ là các nhà báo thời sự hoặc thể thao.
Kết quả khá bất ngờ, khoảng 70% nhà báo đã bị xúc phạm trên mạng xã hội bằng hành vi bôi xấu chức danh “nhà báo”. Một nửa trong số họ từng bị lăng nhục bằng các vấn đề cá nhân, 27% bị đe dọa, với 8% bị lăng mạ tình dục và 6% bị đe dọa quấy rối tình dục.
Vậy các nhà báo đã phản ứng như thế nào? Cách phổ biến nhất, 58% nhà báo đáp trả công khai những lời xúc phạm, lăng nhục. Hầu hết nhà báo dùng tuyệt chiêu “khóa mỏ” các đối tượng theo đuôi để lăng nhục và 15% nhà báo đành xóa các nội dung đã đăng để “chiều lòng” người đọc.
Đối với diễn biến tâm lý của các nhà báo, Amy Binn cho biết, cho dù là đối với các nhà báo nam có khiếu hài hước đi chăng nữa, 75% trong số họ nói họ thường cảm thấy buồn bã vì những lời lăng nhục của bạn đọc, trong đó 30% nhà báo cho biết họ cảm thấy “vô cùng buồn bã” và thậm chí 11% cảm thấy “bị đe dọa”.
Phản ứng tâm lý thường thấy nhất của các nhà báo trong trường hợp này là cảm thấy giận dữ. 43% các nhà báo được hỏi cho biết họ “thỉnh thoảng mới giận dữ” trong khi 30% nhà báo cho biết họ “thường xuyên nổi điên” vì sự lăng mạ của bạn đọc.