7 scandal công nghệ từng làm rung chuyển thế giới
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành nghệ từng chứng kiến nhiều vụ bê bối. Không ngạc nhiên nếu chúng gây thiệt hại hàng tỷ USD, khiến dữ liệu mọi người bị đe dọa vì lợi ích cá nhân hay chính trị.
Đây là 7 trong số nhiều "scandal" công nghệ nổi tiếng nhất thế giới trong thời gian qua, theo tổng hợp của trang DigitalTrends:
Bạn thử nghĩ xem các hãng hàng không sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để nhận dạng smartphone của bạn trước mỗi chuyến bay? Đó là tình cảnh của Samsung vào cuối năm 2016 với mẫu điện thoại Galaxy Note 7, khi smartphone này bị cấm mang lên máy bay do lỗi pin gây cháy nổ bất ngờ.
Sau khi ngày càng nhiều cáo buộc flagship của Samsung gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng xuất hiện, từ phát nổ trong xe cho tới bốc cháy trên máy bay của hãng Southwest Airlines khiến hành khách phải sơ tán, Samsung quyết định thu hồi thiết bị với khoản chi phí thay thế cực kỳ lớn. Dù đã bán lại Note 7 "pin xanh" đảm bảo an toàn, song vấn đề vẫn tiếp tục xảy ra. Samsung cuối cùng phải ngừng bán mẫu flagship, hoàn tiền cho người dùng và phát hành bản cập nhật biến các thiết bị còn hoạt động thành "cục gạch".
Cho đến hiện tại, sự cố Galaxy Note 7 của Samsung, với vị thế là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, vẫn thỉnh thoảng được nhắc lại.
Theo Digital Trends, khác với nhiều vụ bê bối trong danh sách, cái chết của Alan Turing không được công nhận chính thức trong nhiều năm. Turing, được mệnh danh là thiên tài phá mã trong Thế chiến II, người chế tạo chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới và là "ông tổ" của trí tuệ nhân tạo, đã tự sát vào năm 1954.
Năm 1952, Turing bị tuyên án vì là người đồng tính, thời điểm đó là bất hợp pháp tại Anh. Turing có 2 lựa chọn: ngồi tù hoặc bị "thiến hóa học" (chemical castration). Ông chọn giải pháp thứ hai, sau đó tự sát ở tuổi 41.
Năm 2013, Turing được đích thân Nữ hoàng Elizabeth II đặc xá sau 60 năm bị kết án.
Cùng với câu chuyện của Alan Turing, cái chết của Aaron Swartz là scandal bi thảm nhất trong danh sách.
Aaron Swartz, lập trình viên được gọi là "thiên tài máy tính", đã tự tử năm 2013 sau khi bị bắt vì tải về hàng triệu bài báo, nghiên cứu khoa học rồi phát hành chúng miễn phí trên mạng.
Hình phạt cho Aaron Swartz lúc bị bắt năm 2011 là 35 năm tù giam và 1 triệu USD. Aaron sau đó được phát hiện đã treo cổ tại căn hộ ở Brooklyn, khi chỉ mới 26 tuổi.
Cái chết của Aaron được xem là một trong những chương "đáng xấu hổ nhất" trong lịch sử Bộ Tư pháp Mỹ.
Foxconn, nhà sản xuất có trụ sở tại Đài Loan chuyên lắp ráp iPhone cho Apple, là trung tâm của vụ bê bối năm 2010 sau một loạt vụ tự tử tại nhà máy ở Trung Quốc.
Foxconn sau đó yêu cầu các nhân viên ký cam kết "không tự tử", dựng các tấm lưới chống tự tử bên ngoài.
Dù Apple không phải hãng duy nhất ký hợp đồng gia công với Foxconn, nhưng vụ bê bối lúc đó được cho sẽ "nhấn chìm" gã khổng lồ xứ Cupertino vì là khách hàng nổi tiếng nhất của công ty này.
Vào những năm sau đó, Apple liên tục cải thiện chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên Foxconn chính là lời nhắc nhở về nơi sản xuất các thiết bị sáng bóng trên tay chúng ta.
Từ eBay, Anthem, Equifax đến Sony, có rất nhiều vụ rò rỉ dữ liệu khác nhau trong thời đại internet. Tuy nhiên, một trong những vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử là vụ của Yahoo năm 2013 với khoảng 3 tỷ người dùng bị lộ thông tin. Năm 2017, nhiều gián điệp Nga bị truy tố liên quan đến vụ tấn công này.
Vụ rò rỉ năm 2013 khiến giá trị Yahoo sụt giảm hàng trăm triệu USD. Với nhiều người dùng, đây là minh chứng cho thấy chúng ta cần quan tâm đến dữ liệu cá nhân của mình trong kỷ nguyên kết nối như hiện nay.
Hack tài khoản thì bình thường, nhưng giúp người khác hack chính mình thì như thế nào? Đó là mô tả cho vụ bê bối của Facebook và Cambridge Analytica mới xảy ra gần đây.
Trong khi việc Facebook theo dõi người dùng không có gì bất ngờ, vụ bê bối của Cambridge Analytica liên quan đến việc khai thác dữ liệu bất hợp pháp trên 87 triệu người dùng Facebook cho mục đích chính trị.
Vụ bê bối được liên kết với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và số phiếu bầu Brexit tại Vương quốc Anh. Đây là lời cảnh báo về cách công nghệ có thể tác động đến ý kiến cá nhân của mỗi chúng ta.
Lo ngại về các "gián điệp công nghệ" ngày càng gia tăng khi Amazon Alexa ghi âm lại cuộc trò chuyện rồi gửi đến người dùng khác, hoặc khi hình ảnh chụp CEO Facebook dán băng keo cho webcam trên laptop.
Bằng chứng lớn nhất cho thấy chúng ta bị theo dõi bởi các "gián điệp công nghệ" là vào năm 2013, khi một người từng làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tung bằng chứng cho thấy NSA đang giám sát các công dân nước ngoài và công dân Mỹ lên các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới.