7 năm ngồi 7 "ghế cao", kỷ lục CEO Việt nhảy việc, chỗ nào cũng làm sếp lớn
Nữ CEO 7 năm làm 7 công ty
* Thông tin bà Dương Thị Mai Hoa đầu quân cho Sunshine Group gây bất ngờ. Ở vị trí mới, bà Hoa sẽ đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn, kiêm nhiệm Tổng giám đốc (TGĐ) Sunshine Homes, thương hiệu phát triển bất động sản của tập đoàn.
Như vậy, bà Hoa đã chia tay Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chỉ trong một thời gian ngắn với vai trò Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của hãng.
Trước khi gia nhập Bamboo Airways, bà Hoa đã nắm giữ hàng loạt vị trí chủ chốt tại nhiều ngân hàng và tập đoàn lớn như: Tổng giám đốc ABBank (2018), Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn Vingroup (2014-2018).
Trước đó, năm 2013, bà Hoa giữ chức Tổng giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp thuộc Maritime Bank.
Bà Hoa cũng đã từng làm việc ở các vị trí cấp cao tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) (2007-2012), Giám đốc tài chính Công ty Oracle VN Pte. Ltd (Mỹ) (1998-2007)...
Nhiều sếp lớn liên tục đổi công ty. |
* Gần 20 năm làm ngân hàng, từng là CEO của hai ngân hàng ngoại tại Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy bất ngờ chuyển qua làm giáo dục với tư cách Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam. Trước khi gia nhập VIB, bà Đàm Bích Thủy là Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam và khu vực Mekong từ năm 2005. đến năm 2011; từ tháng 7/2011, bà giữ chức vụ Phó Chủ tịch ANZ khu vực Mekong.
* Một nhân vật khác cũng nhảy việc khá nhiều Công ty là Trần Như Trung. Xuất phát từ Savills Việt Nam, cho tới nay, ông Trung đã kinh qua vị trí lãnh đạo khá nhiều công ty bất động sản.
Năm 2014, ông rời vị trí Phó giám đốc Savills Hà Nội sang Tân Hoàng Minh lựa chọn giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn.
Được một thời gian, ông Trung sang Capital House với chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh, Marketing & Truyền thông, Nghiên cứu & Phát triển (R&D) hay vị trí mới là phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường. Gần đây nhất, ông Trung trở thành tân Tổng giám đốc MIKGroup thay ông Nguyễn Vĩnh Trân. Được biết, ông Trung đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản.
* Ngày 22/4/2019, Go-Viet chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí tân Tổng giám đốc. Ngày 9/3/2018, cộng đồng startup Việt Nam khá bất ngờ khi bà Kiều Trang rời Fossil Việt Nam và trở thành giám đốc Facebook Việt Nam, cùng lúc Sonny Vũ cũng rút Fossil. Giữ chức vụ mới ở Facebook khoảng 9 tháng thì Lê Diệp Kiều Trang tuyên bố rời đi vào cuối 2018 vì lý do không thu xếp được công việc gia đình.
Trước đó, bà Lê Diệp Kiều Trang nghỉ việc tại Mc Kinsey để về phụ trách nhân sự và tài chính cho công ty Misfit Wearables (chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe) do chồng là Sony Vũ và những người khác - trong đó có cựu CEO Apple John Sculley - đồng sáng lập.
* Anh trai bà Kiều Trang là Lê Trí Thông cũng vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành (CEO) của PNJ thay thế cho bà Cao Thị Ngọc Dung. Trước khi gia nhập PNJ, ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Thông cũng từng gia nhập DongABank dưới thời ông Trần Phương Bình vào năm 2008.
Đến cuối 2012, ông Thông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc DongABank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.
Năm 2014, ông Lê Trí Thông rời DongABank về làm Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn tư vấn quản trị chiến lược The Boston Consulting Group (BCG). Và mới đây, ông Thông được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT Công ty PNJ nhiệm kỳ 2017-2020.
Nghề nguy hiểm
Với mức lương lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, nhưng thực tế, nghề CEO được cho là nguy hiểm, nhiều rủi ro rình rập. Không ít các lãnh đạo đã "ngã ngựa", vướng vòng lao lý.
* Đơn cử như ông Lý Xuân Hải. Trong vụ án liên quan đến bầu Kiên tại ACB, ông Hải đã vướng vòng lao lý năm 2012 và đã ra tù.
Sau đó, đến tháng 7/2017, Tơ Lụa Bảo Lộc (Bao Loc Silk Group - BSG) đã thông qua HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, trong đó chính thức bầu ông Lý Xuân Hải đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, đồng thời ông Hải cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 27% cổ phần tại công ty này.
Nghề CEO luôn "nóng". |
Năm 2017, ông Hải đầu quân cho Bầu Đức làm Trưởng Ban Chiến lược. Ông Hải có trách nhiệm tuyển chọn nhân sự và điều hành hoạt động của Ban này và báo cáo trực tiếp cho HĐQT.
* Một CEO lận đận khác phải kể tới bà Lương Thị Cẩm Tú. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015, nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019 - thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú sinh năm 1980, từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.
Tuy nhiên, Chủ tịch bị bãi miễn Lê Minh Quốc sau đó đã đòi lại ghế nóng quyền lực. Eximbank đã có Nghị quyết hủy bỏ Nghị quyết 112 ban hành hôm 22/3/2019 về việc bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí Chủ tịch Eximbank.
* Sau gần 20 tháng ngồi ghế nóng, ông Trương Đình Anh đã rời vị trí CEO FPT. Lý do ông nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.
Ông Trương Đình Anh bỏ nốt “ghế” Chủ tịch FPT Telecom dù khi đó ông vẫn là thành viên HĐQT của FPT và FPT Telecom. Tới tháng 7/2013, ông Trương Đình Anh lại gây sốc khi xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT FPT Online...
Đoạn cuối khó khăn và những trục trặc tại FPT đã khiến cựu CEO Trương Đình Anh tìm bến đỗ mới ở doanh nghiệp khác trong lĩnh vực giải trí, phim ảnh. Ông tham gia vào HĐQT của CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) từ tháng 4/2013. Trước đó, ông Đình Anh còn được đồn đại sẽ về với VNG - doanh nghiệp vốn sở hữu phần mềm nhắn tin miễn phí Zalo và có nhiều hoạt động liên quan rất nhiều đến viễn thông.