61 tỉnh thành tăng tiền nợ thuế
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng thu NSNN ước đạt 464.500 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán, bằng 112,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 23.037 tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Thu nội địa ước đạt 441.463 tỷ đồng, bằng 47,5% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 390.053 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, 6 tháng đầu năm 2017, số thu ngân sách nhà nước mà ngành Thuế thực hiện đạt 48% so với dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong bối cảnh phát triển kinh tế và điều kiện kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp ở khu vực FDI có tình trạng chuyển giá vì được ưu đãi thuế quá lớn so với khu vực khác, tình trạng thất thu ngoài quốc doanh như tài nguyên khoáng sản, bất động sản…. nhưng ngành Thuế đã đạt được kết quả trên là khá quan trọng và là bước tiến để hoàn thành nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thuế thì các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất- kinh doanh vẫn chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán thu… Số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp. Thu ngân sách của một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tiến độ thu ngân sách của hầu hết các địa phương đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán và có tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó 17 địa phương đạt cao so với dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán; 7 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, do nguyên nhân khách quan.
Về vấn đề thu hồi nợ đọng thuế, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 31/5/2017, tổng số tiền thuế nợ 63 Cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 22.076 tỷ đồng, đạt 46,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số nợ thuế của toàn ngành tính đến thời điểm 31/5/2017 là 75.534 tỷ đồng, tăng 1.390 tỷ đồng, tăng 1,9% so với thời điểm 31/12/2016, trong đó tiền thuế nợ (có khả năng thu) đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.207 tỷ đồng; tiền thuế nợ của người nợ thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 27.327 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2017, có 61/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ tăng, trong đó có 32/61 địa phương tăng trên 20%, một số địa phương có tỷ lệ tăng nợ cao như: Tuyên Quang tăng 81,2%; Bình Thuận tăng 79,4%; Lào Cai tăng 73,7%; Khánh Hòa tăng 72,8%; Ninh Thuận tăng 63,6%; Hà Nam tăng 52,3%, Cà Mau tăng 51,9%...
Nguyên nhân theo ngành Thuế cho biết, nhiều cơ quan thuế địa phương chưa thực hiện đúng các quy trình quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Đồng thời, nhiều cục thuế chưa làm hết trách nhiệm, chưa chỉ đạo sát sao quyết liệt các bộ phận chức năng thực hiện đôn đốc, thu hồi nợ, cưỡng chế nợ, xử lý điều chỉnh nợ sai, nợ ảo kịp thời, công khai thông tin nợ thuế và cưỡng chế.