5 cá thể mèo rừng quý hiếm bị nuôi nhốt trái phép được cứu hộ kịp thời, chăm sóc khỏe mạnh rồi thả về tự nhiên
Một gia đình 5 cá thể mèo rừng nguy cấp, quý hiếm vừa được cơ quan chức năng phối hợp cứu hộ, đưa về chăm sóc trước khi thả về tự nhiên.
Chiều 7/5, thông tin từ Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết: Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và Công an TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) vừa cứu hộ 5 cá thể mèo rừng được một hộ gia đình nuôi nhốt trái phép.
Lực lượng chức năng bàn giao cá thể mèo rừng cho đơn vị cứu hộ, chăm sóc. |
Trước đó, vào ngày 5/5, Công an TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) tiến hành tịch thu 5 cá thể mèo rừng (là một gia đình) bao gồm: cá thể đực nặng 4,3kg, cá thể cái 3,1kg và 3 con nhỏ (nặng 0,3kg, 2 đực, 1 cái) được 27 ngày tuổi.
Theo công an thì 2 cá thể mèo rừng bố mẹ được người dân mua về nuôi nhốt, ghép đôi từ tháng 3/2021 đến nay đã sinh thêm 3 cá thể con. Hàng ngày gia đình vẫn cho cá thể mèo rừng ăn thịt bò sống, men tiêu hóa và thịt gà, lợn đã luộc chín.
Ngay sau đó, chiều 6/5, cơ quan chức năng đã cứu hộ, bàn giao và di chuyển 5 cá thể mèo rừng về Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để chăm sóc, phục hồi trước khi thả về tự nhiên.
Những cá thể mèo rừng được cứu hộ. |
Một vị đại diện chương trình cứu hộ chia sẻ: “Hiện nay số lượng mèo rừng còn lại một số loài rất ít ngoài môi trường tự nhiên nên một số người mong muốn mua về nuôi nhốt để làm cảnh. Chính vì vậy, ở nhiều vùng rừng núi, người dân thường xuyên vào rừng đặt bẫy săn thú rừng khiến cho những loài quý hiếm, nguy cấp ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn”.
Cũng theo người này, các lực lượng cứu hộ chỉ mong cộng đồng thay đổi cách nhìn, quan niệm và nhận thức cửa mình để cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã.
Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm, xếp trong nhóm IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Được biết, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (VQG Cúc Phương) cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã cùng nhau phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân cứu hộ, bảo tồn và phát triển cho hàng nghìn cá thể động vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam. Trong đó, có các trung tâm như Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, Chương trình bảo tồn rùa.
Trần Nghị