45 Chủ tịch Quốc hội, hơn 700 nghị sĩ quốc tế tham dự Đại hội đồng IPU 132
Từ khi là thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này |
Ngày 19/3, Tiểu Ban thông tin – tuyên truyền, Ban tổ chức Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) đã tổ chức họp báo quốc tế công bố trương trình và nội dung IPU 132 tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đồng diễn ra từ ngày 28/3 – 1/4/2015.
Được thành lập vào năm 1989 tại Pari và có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Liên minh nghị viện thế giới là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước.
Mục tiêu của IPU là thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ từ tất cả các nước; Tham vấn các vấn đề về lợi ích quốc tế và bày tỏ quan điểm về từng vấn đề với mục tiêu đề xuất hành động đối với các Nghị viện và các thành viên; Đóng góp vào việc bảo vệ và nâng cao nhân quyền trên toàn thế giới, một yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển…
Từ khi được kết nạp làm thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của Việt Nam, tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Theo kế hoạch, Đại hội đồng IPU – 132 diễn ra tại Việt Nam sẽ thảo luận chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, và dự kiến sẽ thông qua các dự thảo Nghị quyết cụ thể như: Nghị quyết chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu; Nghị quyết định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về luật phát quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người…
Song song với các cuộc họp của Đại hội đồng, Hiệp hội các Tổng thư ký (ASGP) cũng nhóm họp thảo luận về các chủ đề: “Tìm kiếm mô hình cơ quan giúp việc hoạt động hiệu quả” do Văn phòng Quốc hội Việt Nam đề xuất; “Vận động hành lang và các nhóm lợi ích: Một khía cạnh khác của quy trình lập pháp” do Phi-lip-pin đề xuất…
Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU 132 cho biết: Kỳ Đại hội đồng IPU 132 có hơn 160 đoàn quốc tế, với hơn 700 nghị sĩ trong số 1.600 đại biểu quốc tế đăng ký tham dự. Trong số này có khoảng 45 Chủ tịch Quốc hội, 50 Phó Chủ tịch Quốc hội.