400 con chồn và 40 tỷ đồng xây trại cà phê chồn "nhất thế giới"
Chuyện nuôi chồn để có cà phê chồn - một thứ cà phê nổi tiếng thế giới ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thì từ trước đến nay điểm “khơi mào” (và hiện gần như duy nhất của Đà Lạt) là trang trại cà phê chồn Trại Hầm....
Ông chủ trang trại nằm trong một con hẻm sâu trên đường Trại Hầm thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt là một luật sư - anh Nguyễn Quốc Minh.
Bắt đầu từ một thứ cà phê bùi bùi, thanh thanh
Trang trại cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt được lập hồi năm 2012. |
Nhưng thật bất ngờ, buổi sáng ngồi ăn phở cùng với anh Minh ở đường Cô Giang, tôi được nghe anh thông báo rằng: “Ý tưởng lập trại cà phê chồn tại Đà Lạt có cách nay cũng phải đến trên dưới hai chục năm rồi. Đó là lần mình đang ở dưới TP.HCM, được một người bạn sống ở Tây Nguyên biếu cho lạng cà phê "là lạ". Pha uống, thấy vị của nó bùi bùi, thanh thanh... chứ không có vị chua chua, đắng đắng như cà phê thông thường. Mình điện thoại hỏi bạn, bạn bảo: “Cà phê chồn đấy, ông tướng ạ!”.
Và sau đó, trong một chuyến đi Đà Lạt, mình biết được thông tin loại cà phê Arabica của Đà Lạt là cà phê số một thế giới hiện nay. Vậy là ý tưởng nảy sinh. Vậy là bắt tay vào làm”.
Nói có vẻ đơn giản vậy, nhưng nếu tính toán về con số thì quả thực tôi khá bất ngờ trước khoản tiền mà vị luật sư đã bỏ ra để gầy dựng trang trại cà phê chồn này: Không dưới 40 tỷ đồng.
Tôi đùa: “Vậy bát phở mà chúng ta đang ăn đây nhân đến bao nhiêu lần mới bằng số tiền đó nhỉ?”.
Anh Minh cũng cười: “Nhưng để có bát phở hơn ba chục ngàn đồng này, phải biết cách làm ra từng hạt cà phê đặc biệt của Đà Lạt cho chồn ăn và biết thu lại sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng khó tính của Việt Nam và cả trên thế giới chứ”.
Đàn chồn hiện tại đã lên đến 400 con
Tôi hỏi: “Anh là luật sư, sao lại đi kinh doanh cà phê?”. Nguyễn Quốc Minh bảo: “Tôi không nghèo đến mức phải đi bán cà phê. Có điều, nếu chỉ trồng cà phê rồi bán buôn như nhiều người thì đó không phải là việc của tôi.
Tôi nhìn được thế mạnh đặc biệt về cây cà phê Đà Lạt và một cách làm mới liên quan đến con chồn và cây cà phê của xứ này nên bắt tay vào làm, nhằm tạo ra cho Đà Lạt một sản phẩm đặc biệt để thế giới biết đến”.
Tôi hiểu, vị luật sư đang ngồi trước mặt tôi trong buổi sáng ở quán phở này không hề thích vung lời. Sau buổi ăn sáng, anh Minh bảo: “Về chỗ mình uống cà phê!”. Tôi đồng ý.
Quả thực, tôi vốn là người “chân chạy”, trong khi uống cà phê chồn ở trang trại của vị luật sư này giống hệt kiểu cách “cung đình” nên trong tôi có chút ái ngại. Song không sao cả, sáng cuối tuần, ông chủ trang trại đã đãi bữa sáng thì ngại gì mà không một lần nữa đến trang trại của ông để ngắm mấy chú chồn.
Và, đó là những con chồn được nuôi trong môi trường tự nhiên và thứ cà phê làm thức ăn cho chồn là thứ cà phê hoàn toàn không được bón bất kỳ loại phân hóa học nào.
Quán cà phê ngay trong trang trại phục vụ du khách thưởng thức cà phê chồn tại chỗ
Bắt đầu xuất ngoại
Tranh thủ lúc mấy cô nhân viên pha chế cà phê, tôi và anh Minh đi xuống phía dưới để xem chồn và ngắm vườn cà phê. Vườn cà phê rộng chỉ 2,5ha; khu chuồng nuôi chồn chỉ chiếm phần nhỏ, chỉ vừa đủ để nuôi khoảng hơn 400 con chồn (khoảng 2m2 cho một cặp).
Tận mắt trang trại cà phê chồn của vị luật sư, khó có thể hình dung ra con số trên dưới 40 tỷ đồng vốn đầu tư. Nhưng, con số ấy mới chỉ là điều kiện cần mà thôi.
Vừa rảo bước, anh Minh vừa nói: “Điều quan trọng hơn cả là mình sẽ đưa được loại sản phẩm này ra nước ngoài.
Một sản phẩm đặc biệt là cà phê chồn giống moka dòng Arabica “số một của số một thế giới” Đà Lạt chắc chắn khiến người tiêu dùng các nước phương Tây lưu tâm. Bây giờ, ngay cả trên thế giới, giới tiêu thụ cà phê bình dân không ít; tuy nhiên, giới thượng lưu sẵn sàng bỏ ra vài chục USD để đãi bạn bè ly cà phê buổi sáng là không hiếm.
Và, thứ cà phê mà họ chọn đó phải là cà phê chồn, nếu là cà phê chồn của xứ “cà phê đắt nhất thế giới” với giống Moka hoặc Catimo của dòng Arabica Đà Lạt thì càng tuyệt vời”.
Anh Nguyễn Quốc Minh trước trang trại cà phê chồn của mình |
Anh Minh thông báo: “Mình vừa ký kết hợp đồng với một công ty kinh doanh của Thụy Sỹ vào đầu năm dương lịch 2015 này cung cấp cho họ 500kg cà phê chồn đúng chuẩn Đà Lạt. Giá mỗi kg những gần 60 triệu đồng”.
Hóa ra, cách nay vài tháng, một đoàn du khách người Thụy Sỹ đến quán cà phê chồn ngay trong trang trại chồn của anh Minh để uống cà phê và tham quan mô hình lại là những nhà kinh doanh chứ không phải khách du lịch nước ngoài bình thường. Trong câu chuyện, anh Minh không mấy khi đề cập đến chuyện lợi nhuận. Tôi vì tế nhị nên cũng chẳng mấy khi nhắc đến theo kiểu tò mò. Với lại, với mô hình này của luật sư Nguyễn Quốc Minh, vấn đề tôi quan tâm hơn vẫn là cách làm để Đà Lạt có thêm một sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hết sức độc đáo và sẽ là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đà Lạt trong tương lai gần!
“Thì họ nghe tiếng, đóng giả du khách đến trang trại để tham quan và uống cà phê nhưng thực chất là khảo sát, khi về nước họ mới “tiết lộ thân phận” qua mail và đề nghị tôi ký hợp đồng cung cấp cho họ trong năm 2015 này khoảng 500kg cà phê chồn với giá nói trên”.
Tất nhiên, để những hạt cà phê chồn Trại Hầm bay sang được tận Thụy Sỹ, nó phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, kiểm tra để khẳng định chất lượng như kiểm nghiệm chất lượng ở Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và cả một số cơ quan chức năng của phía Thụy Sỹ.
Bởi vậy, từ khâu chăn nuôi (chồn), trồng trọt (cây cà phê) đến sản phẩm cuối cùng (cà phê bột) đều đạt độ sạch và đều là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trang trại cà phê chồn của luật sư Nguyễn Quốc Minh vừa mới được mọc lên ở Đà Lạt từ vài ba năm qua nhưng “tiếng lành đồn xa” đã đến tận chân trời Thụy Sỹ quả là điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên, như anh Minh tiết lộ bí mật với tôi thì trang trại của anh không dừng lại ở quy mô hiện tại. Pha chế cà phê chồn cũng là một công đoạn hết sức công phu, tỉ mẩn Năm ngoái, cũng dịp gần tết, tôi đến thăm, trang trại của anh Minh chỉ 120 con chồn (trước đó nữa thì chỉ vài chục con).
Năm nay, cũng dịp gần tết ghé lại, anh Minh thông báo rằng số lượng chồn đã lên đến 400 con. Dĩ nhiên, đó phải là những con chồn có nguồn gốc, xuất xứ đường hoàng. Hơn thế, trong năm 2015 này và có thể một, hai năm tới nữa, anh sẽ nhân đàn lên khoảng 1.000 con (để có thể là trang trại cà phê chồn có số lượng chồn cao nhất Việt Nam hiện nay).
Đặc biệt, đó phải là giống chồn có enzym tạo men trong dạ dày để cho ra sản phẩm đạt chuẩn. Còn với cà phê, anh Minh bảo: “May mắn cho tôi là tôi chọn Đà Lạt để triển khai mô hình này.
Cà phê Đà Lạt với hai giống Moka và Catimo của dòng Arabica hiện đang được đánh giá là có chất lượng cao nhất thế giới. Vậy nên, tôi biết đây là lợi thế rất lớn của tôi. Vì việc nuôi chồn để sản xuất cà phê chồn thì nhiều nơi làm. Nhưng nuôi chồn để sản xuất cà phê chồn bằng cà phê Moka và Catimo Đà Lạt thì chỉ duy nhất Đà Lạt”. Như vậy, mỗi năm chỉ sản xuất vài trăm kg cà phê chồn như trong hiện tại trang trại của anh Minh không đáp ứng được nhu cầu trong nước và nước ngoài theo đơn đặt hàng. Cho nên, mở rộng quy mô sản xuất là yêu cầu đặt ra cho vị luật sư này....
Theo nongnghiep.vn